THƯ CHO MẸ,
TRÊN NHỮNG DÒNG HỒI KÝ
(Bản dịch năm 2015, từ thư tiếng Anh, viết tay năm 1993 từ Á Châu, và tái bút sau đó, tại Mỹ)
Singapore, 1993
Bây giờ đã là nửa khuya, và con đang ngồi trong quán ăn Tàu, đang ăn toàn những món độc hại cho sức khoẻ. Tính ra đã có đến 20 năm nay con chưa viết gì cho Me, nhưng trước đó thì con hay viết cho Me, vì con tự coi con là “bạn” của Me.
Con nhớ Me nhiều lắm, dù con không nói ra. Thật không thể tưởng tượng nổi, có ngày hôm nay Me ở Mỹ, con thì ở cách Việt Nam chỉ chừng một giờ bay, và con viết thư tiếng Anh cho Me. Me và Celine là hai người con yêu quý nhất đời, nay con hoảng sợ thấy Me đang sắp trở thành một bà già, và con thì đến tuổi trung niên.
Trở lại Việt Nam, con cảm thấy hụt hẫng, mất mát, con như dần dần sống lại quãng đời thơ ấu cũ. Me là người nuôi con lớn, nên Me chính là người chia sẻ với con quãng đời đó. Đời Me cũng từng có lỗi lầm, nhưng Trời cao biết rõ tình Me bao la, và Me kỳ vọng biết bao vào đám con cái, đặc biệt là con, dẫu cho Me cũng đã bị trói buộc biết bao vì những quy ước của thời Me. Nếu nhỡ Me không hiểu hết ý con, thì Me bảo Ti dịch cho Me nhé. Thật ra con muốn nói Me là người mẹ tuyệt vời, chính là nguồn sống, là sức lực đã gắn bó chúng ta cùng trải qua bao thảm kịch trong đời.
Mười sáu năm đầu tiên dần dần trở lại trong trí con, y như hồi tưởng trong một cuốn phim. Con nhớ rõ, Me hay bảo con coi da đầu Me có gầu không, con giật mình thấy bây giờ mình đã ở tuổi Me hồi đó, và bây giờ con cũng muốn hỏi ở chân tóc mình có gầu hay không, như me đã hỏi con ngày xưa, và con là người vạch tóc cho me. Nhớ Me cho con ăn chè đậu xanh hay lục tàu xá trước hẻm nhà, đi vào thành Chí Hoà có trại gia binh, nhà dì Trần Như Quốc Lệ, bạn me người Huế, nước da trắng như tuyết. Con ngồi bên lề đường Tô Hiến Thành ăn chè, cạnh gánh hàng rong, mặc chiếc áo cánh “Cô Tông” thật mỏng, con so vai lên mà ăn chè, và me đã thảng thốt đứng xa nhìn con, phiá bên kia đường trông qua, me kể cho con nghe me đau xót làm sao, vì me thấy con gầy ốm quá...
Chỉ mình con với những hoài niệm đó, không ai trong gia đình bên cạnh để cùng chia xẻ chua cay.
Trên quãng đời đầu thập niên chín mươi, quay lại Việt Nam, tâm trí con đã quay trở về kỷ niệm trường TV, hình ảnh của Me với con, nhảy múa trong đầu con, đó là những bóng hình dĩ vãng đã qua không bao giờ trở lại.
Hai lần trên máy bay quốc tế vượt biển Thái Bình, con mơ thấy Bà Ngoại, bà đẹp như tài tử, Bà ấm áp và dịu hiền, mặc dù con biết rõ Bà nay chỉ là một linh hồn. Những hình bóng cũ trở lại như mới vừa hôm qua. Chỉ một tích tắc, mà con sống lại những mảnh đời cũ. Tuy đau lòng, nhưng con vẫn không ngại, một lần nữa, sống lại những cảm xúc của những ngày tháng đã qua. Nỗi đau làm con thấy thương yêu tất cả mọi người gia đình, y như mình đã quên trước nay đã thương yêu gốc gác của mình bao nhiêu. Gốc gác của con là gia đình, Me, các em, ngay cả ông Bố nóng tính của con, tất cả đều là gốc gác của con. Ai trong đời cũng không thể thay đổi gốc của mình được.
Đối với con, Việt Nam là nơi chốn thách thức cuộc đời, chôn vùi bao thảm kịch nhân sinh mà con đã phải trải qua. Cội rễ của chúng ta, vinh quang thành đạt của gia đình, dù trong nghèo khó lúc hoạn nạn, những giọt nước mắt, những hoàn cảnh khó khăn, và từ đó, chúng ta vươn lên...
...
Con đứng đây, trong làng quê miền Bắc của Bố, như chính mình là đại diện cho Ông nội, lòng trĩu nặng buồn thương.
...
Con ngồi đây, nửa quả địa cầu, ở trung tâm Saigon xưa, vừa ăn vừa khóc vì nhớ thương Ông ngoại, những ngày gần đất xa trời, nghèo, thiếu ăn, so với hoàn cảnh đầy đủ của chúng ta bên Mỹ.
...
Hình như con đang phải thay cho cha mẹ chịu gánh cái khổ đau này, vì tình cờ hay cố ý mà vận mệnh đẩy đưa cho con phải ở nơi đây lúc này, Saigon xưa, để mở cánh cửa vào quá khứ mà trước đây bên Mỹ con đã đè nén làm ngơ đi. Me có biết, cho đến tận bây giờ, con mới nhớ lại những cảm nghĩ của mình hồi 14 tuổi. Me đã phải chật vật biết bao, để giữ mức sống gia đình, cho con tất cả, trong cái vỏ trưởng giả sang trọng ở Việt Nam...
Và con quay về với thời gian khó khăn me phải nặng gánh gia đình trên vai, hy sinh sức khoẻ, vất vả tấm thân, những năm đầu định cư tại Mỹ.
...
Con thật quá mệt mỏi, cuộc đời là những mảnh tả tơi. Con muốn có thời gian, thời gian riêng của con, và muốn Me có thời gian dành cho con, để con được thưởng thức những món ăn ngon và lành Me nấu, đọc tác phẩm của Me, Me còn nhớ? (Me đã từng là người có văn tài, tâm hồn phong phú, mảnh mai xinh đẹp).
_________________
Houston, 2015
Rồi tất cà những chồng chất hoàn cảnh khó khăn ấy, từ Việt Nam qua Mỹ, đã lấy đi vẻ tao nhã của Me, cũng như sự an bình trong tâm hồn con. Con mơ được ngủ cả ngày với Celine, và có Me săn sóc con. Nhưng rồi dòng đời đã trôi mãi, mà con thì quá nhát gan, cứ dấn mình tiếp tục công việc và không nghỉ ngơi.
Me trên giường bệnh.
Me ơi, xin hãy kiên nhẫn, chờ con về, thương yêu con như ngày con mới sinh, khóc vào đời, chưa biết gì về những xấu xa, đẹp đẽ, cũng như những bi kịch và hài kịch trong đời. Con chỉ muốn làm con của Me, vẫn là đứa con bé nhỏ của Me, không phải là con bây giờ, đã lớn, và là người phụ trách săn sóc Me.
Con đầu lòng của Me.
------------------
Tái bút, 14 tháng 9, 2023
Houston, 2018
Mẹ tôi đã chờ tôi về, bà bẳt đầu hôn mê trên giường bệnh đêm sinh nhật thứ sáu mươi cuả tôi, chẳng ai báo cho tôi biết, và bà đã nhắm mắt để trời phật đón bà đi, khi tôi về sáng sớm hôm sau. Nhìn thấy bà hôn mê, tâm trí tôi vẫn từ chối sự thực, cho rằng bà quá mệt nên nhắm mắt không tỉnh dậy nổi, và tôi vẫn bế bà ra xe lăn, bà nhắm mắt nghiêng đầu, tôi vẫn đi ra tiệm thuốc mua các thứ cần thiết để giúp bà tỉnh dậy...
...cho đến gần tối, làm đủ mọi cách, bà vẫn không mở mắt, khi như bị cú sét đánh ngang đầu, tôi tỉnh giấc mù loà, đối diện với tình thế, hoảng hốt kêu xe cứu thương đem bà vào bệnh viện. Như kẻ đần độn ngu si, tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng bà đã nhắm mắt dù còn hơi thở, để sưả soạn ra đi.
Bà có mở mắt nhìn tôi một lần ở bệnh viện, rồi lại thiếp đi. Tôi cũng thiếp đi trên chiếc ghế. Bốn giờ sáng, đột nhiên tôi tỉnh giấc. Bà vẫn yên bình nhắm mẳt. Chiếc máy đo các giòng xanh xanh vẫn chạy. Tôi rời phòng, rồi quay lại phòng. Tất cả im lìm như một giấc mộng. Tư nhiên đội bác sĩ y tá bước vào, như đã sắp hàng sẵn, quay chung quanh giường bà, và tôi quỵ xuống, níu lấy màn cưả sổ. Rồi tôi lại đứng lên, họ nhường cho tôi một chỗ, bên phải, cạnh giường, và tôi chấp nhận. Bà lìa đời lúc ấy, năm giờ sáng, êm ái như trong giấc ngủ. Họ tháo hết giây nhợ, và tôi nằm bên cạnh ôm bà trong tay, hơi ấm vẫn còn, và từng nét trên mặt bà như nhẹ hẳn đi, mềm hẳnra, và thế là tôi ấp ủ mẹ như những ngày mẹ đã ấp ủ tôi sáu mươi năm trước, đứa bé mới chào đời, trong vòng tay cuả mẹ, cho đến khi người ta bước vào, và họ không còn cho tôi được ôm bà nưã.
-----------
Sáu mươi năm cộng thêm hơn một ngày sau khi mẹ chịu cơn đau xé thịt để sanh tôi ra đời ờ Hội An, tôi trở thành đứa trẻ mồ côi...
...Chẳng có một trại mồ côi nào trên thế giới này mở cửa đón nhận tôi vào, để tôi được xin bố thí chút tình thương, và để tôi được oà lên khóc mẹ...cho tôi, đứa bé mồ côí sáu mươi tuổi thêm hai ngày, được khóc la vật vã, đấm ngực, dãy dụa, rên xiết, bứt tóc, xé tai, cào cấu, gào thét thấu tận trời xanh, lở đất, rạch mây, đổ núi ngăn sông, sụp hết cả bầu trời, tắt thái dương, tắt hết trăng sao, cũng không làm hết được nỗi đau này...
Ở đâu đó trong thế giới cuả ánh dương vẫn còn sau cơn bĩ cực, có hào quang lấp lánh nhưng tĩnh mặc yên bình mà trong sáng cao siêu và nhân ái, xin mẹ tiếp tục chờ con...
Con biết rằng muôn thuở nghìn thu, trong tận cùng vô cực, mẹ vẫn chờ con. Cắt rốn chôn nhau, muôn đời muôn kiếp, con vẫn gắn liền với núm ruột cuả mẹ.
No comments:
Post a Comment