Friday, July 20, 2018

for viet readers: HON VIET


THO DUONG NHU NGUYEN: 

NHÂN ĐỌC TẢN ĐÀ, NHỚ PHAN BỘI CHÂU VÀ TƯỞNG NIỆM HAI BÀ TRƯNG:


HỒN VIỆT



Nước bốn ngàn năm, không thấy tổ
Dân trăm triệu kẻ, chẳng nhìn tông
Biển khóc thương trăng, câu nhắn nhủ
Núi cắt chia mây, nợ giống dòng
Đông Hải vắng tanh vầng nhật nguyệt
Trường Sơn khô rạn vết Tiên Long
Cuối mũi Cà Mau cơn quốc biến
Đầu Ải Nam Quan trận tử vong
Tiếng vọng Mê Linh nào giữ được?
Thì roi Phù Đổng cũng bằng không…
Cột đồng Mã Viện nghìn năm hận
Kiếm sắc Trưng Vương vạn kiếp mong
Nước vẫn trong ta, hay nước mất?
Mượn ít vần thơ...trải chút lòng...


Dương Như Nguyện

copyright 2014

(Toi doc bai tho nay cho me toi nghe truoc khi ba nga benh xuat huyet nao...)

Posted:

Thursday, July 12, 2018

UPON WRITING AND THE NEED TO WRITE: FOR VIET READERS: Thôi thúc viết đến từ thôi thúc cuả trí thức

Dương Như Nguyện:  “Thôi thúc viết đến từ thôi thúc trí thức” :
Trong thời gian này của cuộc đời, N nhìn lại tiểu sử và tư tưởng các văn hào mình ngưỡng mộ,  thấy rõ ràng mình kính trọng các văn hào Nga trước cuộc Cách Mạng 1917. Họ không những là người viết văn mà còn là những hiền triết đầy nhân bản, thuộc dòng dõi quý phái, trí thức mà tâm tư luôn luôn chua xót cho nông dân và người bình dân. Trong cuộc đời họ luôn đứng về phía những người đau khổ, làm việc cho những người đau khổ, chứ không phải chỉ ngồi viết hoang tưởng. Từ Anton Chekhov thông cảm nỗi khổ của cảnh tù đày, cho đến Tolstoy  thương yêu những giai cấp lao động của xã hội Nga thời ấy, gây ảnh hưởng đến cả Martin Luther King và Ghandi của Ấn Độ.
Theo tiểu sử, thì Tolstoy đã từng nghiên cứu về đạo Phật và tư tưởng của Khổng Tử.  Ở cuối cuộc đời, ông đi vào tư tưởng của Thiên Chúa Giáo.  Ông cũng đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong đời sống gia đình và hôn nhân.
Tolstoy là giai cấp quý phái, vì thế ông viết nhiều về sự “cảnh tỉnh” của giai cấp quý phái khi nhìn thấy sự cực khổ của nông dân Nga. Trong tác phẩm của Tolstoy luôn luôn có một nhân vật tượng trưng cho trí thức Nga.  Còn Anton Chekhov là con nhà buôn bán, hồi còn nhỏ sống rất khổ sở trong cảnh nghèo túng của gia đình đông con, hồi còn nhỏ ông đã phải làm việc ở quán để giúp đỡ cha mẹ.  Tuy nhiên, cha của ông, (dù là) một người cha không toàn thiện, vẫn cố gắng cho con trai đi học trường tốt.  Khi lớn lên Chekhov phải tự lực cánh sinh, và quyết chí học để trở thành bác sĩ. Từ đó ông vừa viết văn vừa làm bác sĩ, và sau khi đã nhìn thấy sự cực khổ của kiếp tù đầy, ông chọn con đường tranh đấu cho tù nhân.  Ông làm hai nghề, cũng như Nabokov đã phải làm hai nghề, rồi nổi tiếng về văn chương và kịch nghệ.
Dĩ nhiên N  luôn luôn mãi mãi giữ hình ảnh của Vladimir Nabokov, là người di dân đến từ Nga, theo đuổi 2 nghề khác hẳn nhau cũng như N. Trước khi viết tiếng Anh ông viết bằng tiếng Nga, chịu bao nhiêu đau khổ ê chề vì những sự chia rẽ nghi ngờ và thù nghịch đến từ cộng đồng người Nga tị nạn ở Âu Châu.
Nabokov là một trong những cây bút rất hiếm hoi của trí thức Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến ở VN, cùng với John Updike (lý do giản dị: chính ông cũng là nạn nhân của cộng sản).
Suy ngẫm lại cuộc đời của Nabokov, chắc N sẽ để thời giờ dịch cuốn Mùi Hương Quế và Chín Chữ của Nàng qua tiếng Anh rồi tìm cách xuất bản.  Vì đó là 2 tập truyện viết thẳng bằng tiếng Việt.  Trước khi thành danh trong văn chương Mỹ, Nabokov viết khoảng 9 tác phẩm bằng tiếng Nga.
Thời buổi này không còn những cây bút như mình ngưỡng mộ nữa, nhưng chỗ đứng của họ vẫn còn, và tấm gương họ dựng cho mình vẫn sáng rực ở đó.  N không hề thấy những văn hào thế giới có đời sống ngược lại những gì họ viết về khía cạnh đạo đức con người.  Họ không nói một đàng làm một nẻo.
Ở VN trong hoàn cảnh lịch sử tranh tối tranh sáng của những ngày vai trò của thực dân ở Á Châu sắp chấm dứt, có những nhà văn góp phần vào việc phát triển chữ quốc ngữ, viết vì lý tưởng, như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, vân vân.  Bị cho là sản phẩm của “tiểu tư sản,” tác phẩm của họ hướng về nông thôn và tình tự dân tộc, pha  trộn với tư tưởng tự do cá nhân và sự bình đẳng trong cách suy luận đến từ ngọn gió Tây Phương.
Theo gương họ, N không viết để tìm công danh, huống chi là “danh” ở cộng đồng mình.  Thôi thúc viết đến từ thôi thúc của trí thức, nhu cầu thích đi học, nhu cầu muốn nhìn thấy con người được quyền theo đuổi tự do cá nhân, và nhu cầu nhân bản muốn nhìn thấy lòng bác ái với đồng loại trong cảnh khổ, trong đó có cả nhu cầu muốn đặt lại vấn đề tự do cho phụ nữ.  Tự do trong tư tưởng không có nghĩa là chấp nhận phi đạo đức hay vô đạo đức, hay sự phóng túng bản thân.
Những nhu cầu ấy chính là nhu cầu thúc đẩy làm cho mình viết mà thôi (intellectual needs). ( DƯƠNG NHƯ NGUYỆN ) C 2013 

what a voice! out of this world...