Sunday, July 7, 2019

VE, TA VE, VA TA DI: còn gì? còn chi? và còn không? BA GIO.NG NO'I, BA CÂU HỎI, BA TAM THUC, CU`NG MOT NOI CHON, cu`ng mo.t kho?i da^`u ...

POETRY AND DERIVATIVES: THE METAPHORIC SYMBOL OF HOMECOMING...THREE VARIATIONS OF THE SAME THEME (LIKE IN CLASSICAL MUSIC)!
for viet readers:
VỀ (DNN) TA VE (TTY) TA DI (Vi KHUE)
PRELUDE:
Người về tim đã mồ côi
Người về với sợi tơ trời ... mười năm
(Dương Như Nguyện, ca?m hu'ng tư` va`i ca^u va ta^m su. TTY, 2013)

I.
Ta về mang sợi tơ trời nặng
Tan tác trong lòng trang sử xanh
Ai tiễn, ai đưa, ai nín lặng
Vàng đá, rồi thôi, cũng độc hành
Ta về sương biến thành con suối
Trên: vẫn là mưa, dưới: nước nguồn
Mưa ở Tây ngàn mưa đổ xuống
Chảy vào Đông, biển, thủy triều tuôn
Ta về biển động thành mây trắng
Tảng đá quê nhà ai dám lăn?
Sườn núi ngây ngô còn thét gọi
Đáy vực vùi chôn nỗi nhọc nhằn
Lời thề truyền kiếp vai còn gánh
Tiếng vọng lưu đày buộc lấy chân
Lửa nóng chưa thiêu hồn buốt lạnh
Mười năm cho quỷ biến thành nhân
“Ta về như tứ thơ tiêu tán”
Rơi rớt qua vùng dốc lãng quên
Nhà cũ, tang thương: tường, vách, mái
Nhện khóc, trùn than, mối gập ghềnh
“Ta về khai giải bùa thiêng, yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!”

Ôn lại, mười năm bao ác mộng
Một lần nhắc nhớ, để rồi thôi!

II.
Chiều nay ta sẽ đi quanh quẩn
Thăm hỏi bùn, tro, mỗi góc nhà
Hoa bưởi bên thềm không nở nữa
Mười năm rêu mọc lót đời ta
Mười năm thành chiếc bóng già nua
Bóng đuổi theo ai, bóng nhạt nhòa
Mười năm tiếc mãi mùi hương cũ
Của bóng, hay là của chính ta?
Ta về, tang chứng thời phung phí
Khánh kiệt vì mang cuộc bể dâu
Mười năm, vẫn tưởng là con trẻ
Bác mẹ? Đèn khuya sắp cạn dầu
Ta gẫm lại đời: bao chiến bại?
Mơ cả trăm điều, một chẳng nên
Ngoài kia lá rụng, và sao rụng
Tóc rụng theo cơn mộng hão huyền
Ta về theo đám mây nhà Lý
Tìm Đại La Thành, tiếng nỉ non
Sử khóc người nên người khóc sử
Bút gãy, hay ai để bút mòn?
Ta về đơn chiếc như hờn tủi
Lục lọi không gian chẳng thấy mình
Phủi bụi mà thương hồn sách vở
Những hài, những cốt của vô danh

III.
Ta về mơ lấy nụ tầm xuân
Người cũ trùng khơi lãng đãng gần
Thương nữ đã theo chồng xứ lạ
Mười năm vướng vấn nợ tình quân
Ta về rọc hết con đường mía
Mong ngọt môi răng trót đắng rồi
Chua, chát, cay, nồng trong huyết quản
Làm sao cho hết, cội nguồn ơi!
Người về như thể nuôi thương nhớ
Người để tim người xuống biển Đông
Máu? Muối? Tanh tanh, con nước chảy
Lệ mặn, vì đâu? Nhỏ một dòng…
Dương Như Nguyện
C 2013
---

FROM Lê Hoàng Tuấn Kiệt, FACEBOOK:

Tô Thùy Yên viết bài thơ vĩ đại Ta Về với phong vị người trở về nhà sau 10 năm tù rạc, thì Vi Khuê họa lại bằng bài thơ Ta Đi để ghi dấu 20 năm xa xứ theo ngả thuyền nhân. Lịch sử trầm luân, bi thiết của một thời được chép lại bằng những vần thơ xúc động.

TA VỀ
Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang.
Ta về - một bóng trên đường lớn.
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay.
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu.
Mười năm, mặt xạm soi khe nước,
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.
Ta về qua những truông cùng phá,
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may.
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ,
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.
Chỉ có thế. Trời câm đất nín.
Đời im lìm đóng váng xanh xao.
Mười năm, thế giới già trông thấy.
Đất bạc màu đi, đất bạc màu…
Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa.
Ai đứng trông vời mây nước đó,
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ.
Một đời được mấy điều mong ước?
Núi lở sông bồi đã lắm khi…
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động.
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?
Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa,
Làng ta, ngựa đá đã qua sông,
Người đi như cá theo con nước,
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.
Ta về như lá rơi về cội.
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay.
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta.
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa.
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời.
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt.
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!
Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ.
Mười năm, người tỏ mặt nhau đây.
Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi,
Đành uống lưng thôi bát nước mời.
Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh.
Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?
Lời thề truyền kiếp còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra.
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ.
Mười năm, ta vẫn cứ là ta.
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên.
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách,
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền.
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ.
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ.
Giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ.
Khách cũ không còn, khách mới thưa…
Ta về khai giải bùa thiêng yểm.
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ.
Một lần kể lại để rồi thôi.
Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn,
Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà.
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?
Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu.
Mười năm, con đã già như vậy.
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu…
Con gẫm lại đời con thất bát,
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên.
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn.
Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên.
Ta về như tiếng kêu đồng vọng.
Rau mác lên bờ đã trổ bông.
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông.
Ta gọi thời gian sau cánh cửa.
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu.
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em.
Đau khổ riêng gì nơi gió cát…
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm.
Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa.
Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!
Tình xưa như tuổi già không ngủ,
Quờ quạng khua từng nỗi xót xa.
Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui.
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng.
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi.
Bé ơi, này những vui buồn cũ,
Hãy sống, đương đầu với lãng quên.
Con dế vẫn là con dế ấy,
Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen.
Ta về như nước tào khê chảy.
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ.
Thân thích những ai giờ đã khuất?
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa.
Người chết đưa ta cùng xuống mộ.
Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao?
Khóc người, ta khóc ta rơi rụng.
Tuổi hạc, ôi ngày một một hao.
Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian, kiếm chính mình.
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh.
Ngồi đây, nền cũ nhà hương hỏa,
Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời.
Ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi.
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta.
7-1985
TÔ THÙY YÊN

-----
TA ĐI
[Vọng âm bài Ta Về của Tô Thùy Yên]
Biển rừng im tiếng nghe ta khóc
Ta nào mơ ước cảnh giàu sang
Từ con thuyền nhỏ ra tàu lớn
Ta gạt tay chùi má phấn phai
Mở mắt ra nhìn xem thế sự
Đảo điên từ ngựa giữa dòng thay
Thôi nhé, xin chào non nước mộng
Mẹ hiền chưa đợi giấc ngàn thu
Năm mươi năm quyện câu hò Huế
Giờ tiễn con, thầm nguyện cố sơ
Ta đi, bước ngập ngừng theo gió
Thả ống quần cho dính cỏ may
Ngơ ngác nhìn chim hôm bỏ tổ
Sao tàn cuộc chiến lại còn bay?
Ta đi. Rừng biển im, ta khóc
Dặm khổ muôn trùng sóng xác xao
Bước một bước đau lòng một bước
Còn nguyên, dẫu áo vẫn nguyên màu
Ta đi, chẳng hẹn cùng mây nước
Đời khác chi cây gió chuyển mùa
Xanh mướt ngày Xuân chưa kịp ước
Đã chiều Đông giá tuyết phơ phơ
Nào ai biết được từ thơ dại
Lớn sẽ quê nhà bỏ - mấy khi
Ngắm những vì sao tan đáy biển
Đau lòng nát dạ, chỗ nào ghi?
Tàu lắc lư theo từng lượn sóng
Một câu khấn nguyện bốn phương trời
Ô kìa, những kẻ nằm co ngủ
Giữa chốn xô bồ sao lẻ loi!
Bỗng nhớ những ngày êm ả cũ
Những ngày nắng ửng mặt con sông
Chiến tranh từ thuở dăng dây thép
Vẫn đó đây vang điệu hát mừng
Ta đi, như thể chim lìa tổ
Như lá lìa cành tự tối nay
Một tiếng tiễn đưa là tiếng sét
Oan khiên là cuộc chiến tranh này
Ôi tiếng cười khan hay tiếng khóc
- hổ ngươi là tiếng khóc người ta -
Một đi không hẹn không hò nhỉ
Thì ngại ngùng thêm mỗi bước xa
Ta đi, trời ạ, tàu trôi giạt
Bốn phía vây quanh chẳng phải đời
Vớt nhánh rong nhìn không thấy Phật
Ba ngàn bể khổ đó, người ơi!
Hải âu bay lượn trên đầu sóng
Người khát gào lên khắp đó đây
Bờ bên Tự Do nào thấy bóng
Đành nâng nhắp cạn chén ai mời
Một đêm say sóng bao nhiêu đợt
Mặn chát môi đầy hơi muối hanh
Phật độ Chúa che còn đến vậy
Số Trời đã định há ai can?
Quê hương, ừ nhỉ, muôn đời đẹp
Nhớ thuở thanh bình mới ló ra
Tố khổ tố giàu trăm thứ tố
Phồn vinh cười mỉa nước non ta
Ta đi, chẳng gọi người đi trước
Cho thiếp đi cùng, chỉ muốn quên
Mộ chị mồ em, nhà với cửa
Chẳng còn mong đắp móng xây nền
Một liều, ba bảy thôi liều vậy
Tựa cánh diều dây đã đứt. Ơ!
Thì có mong chi ngày trở lại
Quỳ bên gối mẹ dạ và thưa
Ta đi, sống chết cầm như bỏ
Tóc biếc, lòng son, phận gái ơi
Tình tự còn chi trăng bến nước
Qua cầu cổi áo tặng cầu thôi!
Ta đi, lệ đẫm khăn cầm nhỏ
Giữa biển ngồi mơ một mái nhà
Bến Ngự tàn cây còn có bóng
Trùng dương chỉ có biển trời xa!
Cảm ơn Mẹ nhắc khi lâm biệt
“Phận gái không cầm nổi nhánh dâu”
Con nguyện dẫu chân trời góc biển
Nhớ về Mẹ nắng dãi mưa dầu
Ngoảnh lại quê hương nhòa khói sóng
Biết rồi cơm cháo có làm nên
Chút gì trên đất người xa lạ
Mà đổi đời cho cuộc biến thiên?
Ôi sao mắt nhắm còn tuôn lệ
Lệ cứ trào hoen vạt áo bông
Lại nhớ Cha xưa vào cuộc chiến
Máu đào cũng thấm dải non sông.
Rồi lịm hồn trong cơn sóng dữ
Lời kinh trút xuống biển đen sâu
Những bàn tay níu khung tàu mục
Sống chết xin Trời cho có nhau
Tàu đi. Chẳng thấy mình di động
Một chỗ ngồi co chị với em
Trái đất tưởng đâu là khoảng trống
Mặt trời biến mất, chỉ còn đêm.
Ừ nhỉ, còn trăng đâu mất nữa
Chưa lên khỏi núi đã trăng tà?
Cửa trần gian khép từ nay lại
Thì có mơ gì một bến xa!
Bến xa chưa thấy. Đây lòng biển
Nào có gì cho một chút vui
Hải tặc còn thêm bầy quỉ hiện
Ào ào. Để biển réo khôn nguôi…
Thiếp đi. Thoắt thấy người xa lạ
Nắm lấy bàn tay, bảo: “Cố quên!
Đã tới đây thì, thôi ở lại
Đất lành chim đậu sẽ thành quen!”
Đến nơi… chưa phải là nơi đến
Nhưng chẳng còn cá lặn sao mờ
Đèn sáng hoa giăng đầy mọi lối
Như thần thoại vẽ tự nghìn xưa…
Biết đâu Cha vẫn theo từng bước
Để biển trời gom tụ ước ao
Con khóc, hỡi ôi, còn khóc được
Mẹ già, hỡi Mẹ, mấy gầy hao!
Ta đi. Ta đến. Ta về chứ!
Đi. Đến. Về. Ôi! Đất nước mình
Muôn nẻo chia xa rồi hợp lại
Một ngày, ai biết rạng uy danh…
Hai mươi năm nhắc ngày xa xứ
Vang bóng, ồ thôi, chuyện một thời
Nước rẽ trăm con về rốn biển
“Kiều thu hề Tố” hãy rong chơi…
Ta đi lầu Hạc còn nguyên đó
Mong đợi ta về ghé bước qua
Bến Hán Châu Anh cây cỏ biếc
Xin hồi sinh với cõi lòng ta.
VI KHUÊ

Về ̣-- DNN -- là cuộc lưu đày cuả trí thức VN quay về để đi tìm nguồn cội, như cuộc hành trình của Ulysses, Homer's Odyssey trong kiệ́p người qua kinh nghiệm nhân bản cuả VN...MỘT CÂU HỎI xoáy v̀ong tr̀on không lối thoát, LỚN HƠN THÂN PHẬN: CÒN GÌ???
Ta Về -- TTY -- la` tiếng than cuả người tù chính trị ngay trên gốc gác lãnh thổ và quê quán cuả mình, từ kinh nghiệm VN trở thành kinh nghiệm chung cuả một thế giới trong đó lịch sử được viết laí trên máu xương cuả những kẻ không còn quyền năng để viết lị̣ch sủ...MỘT SỰ CHẤP NHẬN, đau đớn HƠN NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT: CÒN CHI?
Ta Đi -- Vi Khuê -- là tiếng khóc nỉ non cuả phụ nữ bước chân xuống thuyền nước mắt nhu mưa, bỏ lại đằng sau quê quán trong cuộc viễn du cũng máu và nước mắt, ma hành trang độc nhất có thể mang đi trong giông bão và sóng biền chỉ còn là những lời khuyên cuả mẹ...MỘT TIẾNG KHÓC, NỨC NỞ HƠN MỆNH BẠC: CÒN KHÔNG?

No comments:

Post a Comment