Friday, May 4, 2018

MAN DAM VAN CHUONG phan mot

ednesday, March 27, 2013


AN INTERVIEW OF DUONG NHU-NGUYEN ON MODERN VIETNAMESE LITERATURE AND THE ART OF LITERARY CRITIQUE, PART ONE: DISTINGUISHING FEMINIST THEMATIC FICTION FROM LITERARY EROTICA


MẠN ĐÀM VĂN CHƯƠNG VỚI DƯƠNG NHƯ NGUYỆN

SOURCE: diemnhan.blogspot.com
https://docs.google.com/file/d/1ImrKAq1YwoiR3jdAQU9G8lmUfFe8YB3Y4fhIek22FsIhsB6ivuCC5k-huaKG/edit
Lời chú thích của Quê Hương. Blog Điểm Nhấn (QH.):
Nhân dịp thế giới bàn cãi giải thưởng Nobel văn chương 2012, ở khuôn khổ hạn hẹp hơn, thiển nghĩ nên có một cuộc nói chuyện về vấn đề cơ bản: thế nào là phân tích và diễn đạt giá trị văn chương, dùng các tác phẩm viết bởi người Việt. Nhà văn Dương Như Nguyện (DNN), tức luật sư, giáo sư Wendy Duong, là người độc nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại trực tiếp viết song ngữ: Việt và Anh. Năm 1999, Bà làm nghiên cứu hậu tiến sĩ (Post-JD) về phân tích văn chương và luật học tại đại học Harvard (Law and Literature). Cùng năm ấy, Bà đến với cộng đồng người Việt với tập truyện «Mùi Hương Quế» do Văn Nghệ Xuất Bản, gây sôi nổi trong thời điểm đó. Năm 2005, tiểu thuyết tiếng Anh của Bà, «Con Gái của Sông Hương,» ra đời.  Gần đây, hai cuốn tiểu thuyết kế tiếp, «Mimi and her Mirror và Postcards from Nam,» được một công ty truyền thông ở Los Angeles chọn là tiểu thuyết đa văn hóa hay nhất trong số sách thế giới duyệt bởi công ty này cho năm 2012 (International Book Awards).
Bài phỏng vấn này được chia làm hai phần, nói về vấn đề phân loại, bình luận và bình giảng tiểu thuyết. DNN không những chỉ đặt vấn đề vào tiểu thuyết của Bà, mà còn bàn luận về hai tác phẩm từ Việt Nam: Bóng Đè (gây sôi nổi) và Dị Hương (được giải thưởng của VNCHXHCN).

Phần Một


VĂN CHƯƠNG MUA VUI HAY VĂN CHƯƠNG LUẬN ĐỂ?

Từ Hồ Xuân Hương đến Anais Nin: Ma Ri Sến và Mùi Hương Quế



Hồ Xuân Hương (1772-1822)

Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Ne'm tung hồ thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi…



Anaïs Nin ( 1903- Jan 14, 1977 Los Angeles, CA)



Được công nhận ở Mỹ là tiểu thuyết văn chương dù với mục đích mua vui.
« …vì nàng quá thông minh, và đàn bà thông minh pha lẫn văn chương, thi phú và tình yêu, đã làm chàng trở thành như bán thân bất toại…
…Tôi tự biết , qua bao nhiêu thế kỷ, chỉ có một loại văn chương này – loại văn chương do đàn ông viết...Và vì thế, tôi quyết định xuất bản, làm cái công việc bắt đầu của một phụ nữ trong lãnh thổ đàn ông…»

ANAIS NIN

Phạm Thị Hoài. Tác giả Marie Sến

“Người đàn bà tên là Sến. Sến xưng em với chúng tôi sáu thằng đàn ông. Chắc chắn Sến cũng xưng em với sa'u trăm ngàn thàng đàn ông ở Hà Nội.

Sáu thằng đàn ông là Đoài, Đủ, Hồng, Thân, Tân và Nguyên.
Đoài, hàng xóm sát vách tôi, gọi Sến là nàng. Là loại người mỗi ngày ba lần đánh răng, khi anh chàng khà từng tràng từng tràng nàng nàng nàng là Sến bay ra từ khoảng trống rộng rãi của âm “a” kéo dài hoan hỉ, đượm mùi hoá chất nội địa, hiệu PS, giữa mười sáu chiếc răng trên và mười sáu chiếc răng dưới. …”
PHẠM THỊ HOÀI


Dương Như Nguyện, thập niên 90 và sự ra đời của MÙI HƯƠNG QUẾ


…Tôi mường tượng tiếng roi đi trong không khí nghe vun vút như tiếng xé lụa trong điển tích Trung Hoa…Giữa nhịp roi, tôi nghe tiếng Thịnh gọi “Mỵ Nương Mỵ Nương…” 
Tôi kêu khẽ, “Thịnh ơi,” nhưng tiếng kêu không thóat khỏi thanh quản. Ở đâu đó vang vọng tiếng hát lảnh lót, tiếng hát tôi đã quen từ ngày thơ ấu, “Đêm năm xưa, khi cung đàn gây mơ, hoa lá quên giờ tàn, mây trắng bay tìm đàn, hồn người thổn thức trong phòng loan…” Trong không gian u tối, tôi thấy một điểm sáng di động. Tôi rướn người lên một lần cuối và hình như dây trói bật tung…
Tôi đi theo điểm sáng, đi theo tiếng hát, nương theo LỐI VỀ, NGÕ THOÁT, HAY NGÕ CHẾT. Có tiếng réo gọi mơ hồ, “Mỵ Nương, Mỵ Nương…” 
DƯƠNG NHƯ NGUYỆN 
***
Quê Hương (QH): Chào Chị Như-Nguyện. Kỳ phỏng vấn của Báo Ngày Nay Houston năm 2011, Chị nhắc đến phê bình văn học và nghệ thuật tiểu thuyết. Theo Chị, nghệ thuật tiểu thuyết ở Việt Nam bắt đầu như thế nào ? 

Dương Như Nguyện (DNN): Đây là cả vấn đề văn học sử. Tóm tắt rất ngắn: theo tôi, có lẽ một trong những cuốn tiểu thuyết văn chương đầu tiên ở VN là Truyện Kiều của Nguyễn Du, được coi như một bài thơ tiểu thuyết bi hùng tráng, như Ulysses của Homer, nhưng cốt truyện lại lấy của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu.
Nghệ thuật tiểu thuyết tâm lý viết bằng văn xuôi thật sự đến với người Việt chúng ta từ thế giới Tây Phương qua thời Pháp thuộc.

QH: Như vậy, phê bình văn học là gì và liên đới đến vấn đề bình giảng văn chương như thế nào?

DNN: Phê bình văn học gồm hai mặt:
1) Hình thức (thí dụ, cách xử dụng các thuật pháp viết văn: cách tạo dựng nhân vật chẳng hạn);
2) Nội dung (thí dụ, tư tưởng và chiều hướng, triết lý đứng sau nhân vật và cốt truyện).
Phê bình văn học đứng đắn cần phải dựa trên chu trình bình giảng văn chương (literary interpretation). Tây Phương cho chúng ta hai lý thuyết chính về vấn đề này.
1) Thuyết cổ điển cho rằng phê bình gia phải tìm hiểu ngụ ý và mục tiêu của tác giả.

2) Thuyết hiện đại được những cây viết lớn của Tây Phương trong thế kỷ 20 cổ võ. Thí dụ, Roland Barthes cho rằng nhà phê bình cũng là nhà sáng tạo, có quyền đem cái nhìn của mình gán cho thi văn, có khi trái hẳn hay bẻ ngược ngụ ý và mục tiêu của tác giả để áp dụng tác phẩm vào những trạng huống mới, nhằm mục đích cổ võ hay khai phá một hệ thống tư tưởng nào khác không lệ thuộc vào tác giả nữa. Bài bình giảng do đó trở thành một tác phẩm sáng tạo riêng. Khi tiểu thuyết ra đời, tác giả phải «chết đi» và nhà phê bình trở thành nhà sáng tạo.

Hai lý thuyết này cũng đã được đem áp dụng vào luật học, nhất là ở địa hạt luật hiến pháp, đòi hỏi diễn giải về ngôn ngữ.

QH : Xin Chị cho thí dụ về áp dụng thuyết hiện đại. 

DNN: Trước cộng đồng người Việt, tôi đã làm hai thí dụ :
1. Thí dụ thứ nhất: Cách đây khoảng 5 năm, tôi áp dụng lý thuyết hiện đại vào việc bình giảng câu thơ cổ: « Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.»  Tôi đã bẻ ngược ý nghĩa đầu tiên của câu thơ này, nhằm mục đích xác định lại thế nào là «mỹ nhân» qua cái đẹp của trí tuệ và nhân cách trong xã hội hiện đại. Một độc giả không quen đã nhắc khéo, cho rằng tôi hiểu sai nghĩa đen của câu «người đẹp vẫn thường hay chết yểu.»   Nghĩa đen này quá rõ không cần phải nói đến nữa.

Thật ra, tôi muốn tách rời người Việt hải ngọai ra khỏi ảnh hưởng của tư tưởng cổ thi đến từ Trung Quốc, khi cần thiết. Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là: ngày nay, “mỹ nhân” có nghĩa là gì cho phụ nữ Việt Nam, không cần phải quay về với ý nghĩa đầu tiên của câu thơ chữ Hán.

2. Thí dụ thứ hai: Tại thư viện San Jose, tôi đi xa hẳn nghĩa đen của câu «Truyện Kiều còn, nước ta còn ». Tôi muốn đặt lại câu hỏi: Tại sao người Việt không những tôn sùng Bà Trưng, mà còn tôn sùng truyện Kiều, dù rằng cô Kiều là người Tàu? Nói một cách khác, tại sao Nguyễn Du lại phải lấy hình ảnh của một người kỹ nữ Tàu để diễn tả những ẩn ức của chính mình và tại sao Truyện Kiều trở thành «vưu vật của đất nước»?  Lý do có hoàn toàn nằm ở giá trị ngôn ngữ của truyện Kiều hay không? Tôi nghĩ là không.
Theo tôi, nếu bà Trưng là hình ảnh nữ anh hùng dựng nước (nation-building) được tôn sùng, thì cô Kiều và truyện Kiều tượng trưng cho chỗ đứng của nghệ sĩ sáng tạo (the literary art) trong việc giữ gìn văn hóa Việt Nam.  Cả hai đều được tôn sùng trong tâm thức quần chúng. Vì thế, việc cô Kiều không phải là người Việt không còn quan trọng nữa, vì cô Kiều đã trở thành biểu tượng gần gũi của văn chương sáng tạo trong lòng dân tộc Việt.
Trong chiều hướng ấy, nhà phê bình và phân tích văn chương cần phải mang vào việc diễn giải Truyện Kiều những vấn đề của xã hội ngày nay, không nhất thiết phải quay trở về với ngụ ý hay tâm tư của Nguyễn Du khi ông viết Truyện Kiều.

QH: Chị có thể cho thí dụ bằng tác phẩm của Chị: ngụ ý nào là của tác giả và ngụ ý nào là cái nhìn của độc giả Việt Nam đi ra ngoài chủ đích của nhà văn? 

DNN: Như vậy tức là tôi phải nói về tiểu thuyết của mình thay vì phải “chết đi” theo lý thuyết của Barthes.
1. Thí dụ về ngụ ý của tác giả: Tôi ngạc nhiên không có độc giả VN nào nhận ra điểm sau đây: trong cuốn tiểu thuyết “Con Gái Của Sông Hương” xuất bản năm 2005, có 3 chị em: hai co^ con gái và cậu con trai út, chẳng khác gì …”đầu lòng hai ả tố nga… Một trai con thứ rốt lòng…” Simone, cô con gái đầu lòng, hy sinh mối tình riêng để vội vã kết hôn với một người không quen biết nhằm đem gia đình qua Mỹ, nhưng rồi Simone quay trở về tìm lại cội nguồn. Đây là biểu tượng cho cái giá của kiếp di dân: tâm sự kẻ lưu đày bắt đầu bằng sự hy sinh bản ngã, cái mà tôi gọi là mặc cảm lưu lạc của Thúy Kiều trong tâm thức văn hóa của người Việt lưu vong.
2. Thí dụ về sáng tạo của độc giả: Một vài nhà phê bình VN đã nảy sinh ra những tư tưởng mà tôi chưa hề nghĩ đến. Thí dụ, họ cho rằng tất cả các nhân vật nữ của tôi trong tập truyện «Mùi Hương Quế» đều là hiện thân của một người mà thôi và người đó là tôi. Dưới cách nhìn này, MHQ có thể được xem là một cuốn tiểu thuyết, có một phần tự truyện vì dạng tùy bút được dùng trong tuyển tập. Đây là kết quả sáng tạo của nhà phê bình, ngoài dự tính của tác giả, đúng như Roland Barthes đã nhận xét. Từ lời bình giảng nầy, tôi nẩy sinh ra tư tưởng muốn viết lại cuốn MHQ thành một truyện dài, trong đó nhân vật nữ hóa thân thành nhiều kiếp, qua nhiều đời sống.Và tôi cũng đã nảy sinh ra ý nghĩ viết hồi ký – tự truyện.

QH: Xin Chị nói thêm về “Mùi Hương Quế”(MHQ). Thành hình như thế nào và có tác động gì trên độc giả Việt Nam?

DNN: Năm 40 tuổi, tôi từ Á Châu quay về Mỹ và quyết định «về hưu sớm» lần thứ nhất để viết tiểu thuyết. (Hiện giờ, tôi đang «về hưu sớm» lần thứ hai.) Tôi đưa tập truyện tiếng Việt cho cha mẹ tôi xem.Cha tôi là người biến tập truyện thành sách và làm việc trực tiếp với nhà xuất bản Văn Nghệ. MHQ là một tác phẩm tiếng Việt chỉ có người Việt đọc, dù rằng đa số các truyện trong MHQ tôi đều viết bằng song ngữ.
Tôi chưa bao giờ đứng ra tổ chức giới thiệu sách hay ký sách cho cuốn MHQ, vì tôi hoàn toàn không có ý định trở thành nhà văn cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Thí dụ: lúc đó cha tôi muốn tôi xin lời giới thiệu của Bác Doãn Quốc Sỹ. Tôi cũng không muốn nhọc công Bác. Tuy nhiên, có một vài nhà văn Việt Nam đã tự ý viết hoặc nhắc về MHQ, trong đó có Lê Thị Huệ, Nguyễn Xuân Hoàng và Đoàn Nhã Văn. Nguyễn Mạnh Trinh có yêu cầu một cuộc phỏng vấn viết tay rất dài, nhưng trong thời điểm đó, tôi không thể tham dự.
Từ đó đến giờ, đã có người lấy truyện ngắn từ MHQ đem đọc trên radio hay ghi âm vào băng cho cộng đồng hải ngoại, và cũng có người cũng đã lấy truyện từ MHQ đem in lại và xuất bản ở Việt Nam. Họ không hề báo cho tôi biết trước hay yêu cầu tôi chấp thuận.
MHQ tạo tiếng vang qua hai tùy bút ngắn :
1) Tùy bút «Mùi Hương Quế » được dựa trên kinh nghiệm lần đầu tiên tôi cãi trước tòa ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, trong một vụ án liên quan đến thị trường chứng khoán;
2) Tùy bút «Những Cổ Quan Tài của Tĩnh Tâm» dựa trên hình ảnh bà ngoại tôi, một phụ nữ xứ Huế.
Một số độc giả cho rằng hai tùy bút nầy nói lên tâm thức hướng về phương Đông. Các độc giả phái nữ của MHQ thường yêu thích truyện ngắn «Tình Yêu Giữa Hai Dòng» nói về hôn nhân và tình yêu dị chủng.
MHQ trở thành sôi nổi vì hai truyện ngắn khác, nói về phụ nữ trí thức di dân theo đuổi nghệ thuật: một người là diễn viên sân khấu và một người muốn làm vũ công. Truyện ngắn «Mỵ Nương» có sự căng thẳng tâm lý của nạn nhân một thảm trạng gia đình trong giới «quý tộc» của VNCH. Ở Mỹ, Mỵ Nương chọn lựa một cuộc tình có bạo lực với một người đàn ông Bắc Mỹ; thời thơ ấu ở Việt Nam, cô ta là nạn nhân của bạo hành vì cha cô – một chính khách của VNCH -- đánh đập cả 2 mẹ con. Trong «Mùa mưa Singapore » Kha Trâm là nạn nhân của một cuộc hãm hiếp, mà thủ phạm chính là tình nhân cũ, một người đàn ông Âu Châu trong cuộc tình tạm bợ. Cả hai truyện ngắn này đều được trích từ hai truyện dài tôi viết dở dang bằng tiếng Anh, vẫn còn để đó, chưa viết xong cho nên chưa xuất bản (và có thể không bao giờ xuất bản) trong dòng chính. Mỗi bản thảo khoảng trên 200 trang.Tình dục không phải là trọng tâm của bản thảo.
Tôi quyết định trích và viết lại hai truyện này thành tiếng Việt sau khi đọc cuốn «Mari-Sến» của Phạm Thị Hoài, do Lê Thị Huệ gửi. Tôi thấy bà Hoài viết quá trắng trợn và chua chát làm mất đi cái đẹp của thế giới tâm linh người nữ. Mari Sến tượng trưng cho cái gì không đẹp và tôi nghĩ rằng đây là chủ trương của bà Hoài. Rõ ràng bà Hoài là một trí thức được đào tạo bởi xã hội chủ nghĩa và phản kháng lại chính cái đã tạo ra mình. Vì thế, tôi quyết định sẽ đưa ra một thí dụ tương phản: tôi sẽ mô tả một chút liên hệ chăn gối của phụ nữ đẹp, một cách gợi cảm mà vẫn giữ được ý nghĩa luận đề của những gì tôi muốn vạch trần hay cổ võ – thí dụ, tôi dùng tâm tư của phụ nữ để nói lên những nhược điểm của một số đàn ông: bản tính chiếm đoạt, hiếu chiến và lòng tự ái, nhưng thật ra họ rất yếu đuối và dễ vỡ vì bản chất sự chiếm đọat của nam phái thiếu tính bền bỉ; đồng thời tôi muốn nói lên một số thảm kịch đuợc dấu diếm tiêu biểu cho sự giả dối của xã hội Châu Á chịu ảnh hưởng Nho Giáo, trong đó có Singapore và Việt Nam (trong trường hợp Việt Nam, có thêm những biểu tượng về việc Saigon sụp đổ và chỗ đứng của lãnh đạo hay trí thức; trong trường hợp Singapore: quốc gia nhỏ bé ấy tượng trưng cho sự thành công của tính tổng hợp các sắc dân ở Châu Á mà lại nằm trong cơ chế độc đảng).
Trước khi đưa truyện ngắn «Singapore» cho báo Thế Kỷ 21 đăng, tôi viết một lá thư cho chủ bút Phạm Phú Minh (aka Phạm Xuân Đài) và giải thích lý do vì sao tôi muốn gửi đăng truyện này. Bà PhạmThị Hoài và tác phẩm Mari Sến chính là nguyên nhân tôi muốn đưa một vài mô tả gợi cãm liên quan đến tình dục vào môi trường Việt ngữ để diễn giải luận đề qua dạng tiểu thuyết – Mỵ Nương và Kha Trâm tương phản với Mari Sến. Tôi chỉ muốn «điểm nhấn» này thôi và một số độc giả Việt Nam (kể cả thân sinh ra tôi) cũng cho rằng «điểm nhấn» này là tiếng nói của nữ quyền cho phụ nữ Việt.
Lúc đó (va` ba^y gio`), tôi vẫn không hề có dự định viết văn tie^'ng Vie^.t cho cộng đồng hải ngoại.  To^i chi? vie^'t cho bo^' me. mi`nh va` ba.n be` ma` tho^i. Tu` do', sinh ra vie^.c nha` xua^'t ba?n.
Trong MHQ, song song và tương phản với 2 truyện ngắn «xé rào» này là một truyện vừa (novella), mô tả chuyến du hành của một phụ nữ Việt di dân, đi tìm nơi sinh của Phật. Ở đọan kết, nhân vật chính mất tích trên sườn núi của Chùa Khỉ tại Nepal. Một số độc giả thích truyện này vì tôi đi vào thế giới của Phật Giáo.
Nhiều độc giả Việt Nam cho rằng tôi đã qua táo bạo và xé rách hàng rào luân lý Việt Nam vì hai nhân vật «Mỵ Nương» và «Kha Trâm» Thời điểm ra đời của MHQ là 1999; trước đó không có những mô tả về liên hệ chăn gối giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông da trắng trong khu vườn văn chương Việt của phụ nữ Việt, cho dù nhân vật của tôi là nạn nhân của 2 hình thức bạo hành khó nói nhất (domestic violence; date rape). Sau khi MHQ ra đời thì ở hải ngoại, hình như có «mode» phụ nữ Việt nam viết rất bạo về tình dục.Tôi không có gì thích thú trước tình trạng này và đã nhấn mạnh điểm này với chủ bút Phạm Phú Minh.
Nhìn lại vấn đề gây sôi nổi của MHQ, tôi rất ngạc nhiên vì 2 dữ kiện:
1) Cha mẹ tôi, học giả và giáo sư Việt Nam sinh ra trong thập niên 1930, đưa MHQ vào cộng đồng hải ngoại mà không hề lo lắng về hai truyện ngắn « xé rào » viết bởi con gái mình. Cha tôi, người đọc bản thảo và sửa bản kẽm, là một học giả thuần túy và cũng là một họa sĩ tài tử. Ông có sự thuần nhất của bản chất nghệ sĩ, không câu nệ những gì nhỏ nhặt mà chỉ nhìn vào giá trị tổng quát mà thôi.
2) Khoảng 5 năm sau, ông Thế Uyên, thuộc đại gia đình Nguyễn Tường Tam, đã liệt kê MHQ vào danh sách tiểu thuyết tình dục viết bởi phái nữ, mà không nhắc đến tính chất luận đề của tiểu thuyết, cũng như biểu tượng của các nhân vật hay trạng huống trong MHQ -- hoàn cảnh và tâm tư của phụ nữ di dân.
Tôi xin xác định: MHQ là tác phẩm luận đề, không phải là tiểu thuyết tình dục (tiếng Mỹ gọi là «literary erotica», như một số tiểu thuyết của Anais Nin, nữ văn sĩ đầu tiên viết tình dục của Mỹ -- Anais Nin sống ở Paris và là người tình của Henry Miller, tác giả cuốn “Tropic of Cancer”. Bà Nin cũng là một phụ nữ thiểu số: gốc Cuba mang quốc tịch Pháp, và đã phải học Anh Ngữ trước khi viết.)

QH: Dùng văn chương của Anais Nin làm tiêu chuẩn, thì theo Chị, thế nào là một tiểu thuyết tình dục, cái mà người Mỹ gọi là «literary erotica»? Thơ Hồ Xuân Hương, theo Chị, co' là ‘erotica’ hay không?

DNN: «Literary erotica » là những tiểu thuyết viết để mua vui, nhằm mục đích giải trí cho độc giả về phương diện tính dục, hoàn toàn không có luận đề gì cả. Tuy nhiên, vì tác giả viết rất hay, có cái đẹp thẩm mỹ và văn chương có giá trị như một tiểu thuyết đúng nghĩa, nhiều khi chuyên chở tâm lý vào tư tưởng nữa, thành ra các nhà phê bình cho đó là văn chương.  Y' nghĩa chữ «literary» trong cụm từ «literary erotica»: không phải là ngôn ngữ ô uế rẻ tiền, kiểu «lá cải» hay «khiêu dâm tục tĩu» (danh từ luật pháp là «obscenity» hay «pornography»).
Trong lịch sử văn chương thế giới, rất nhiều tiểu thuyết luận đề đã bị xếp loại là «tiểu thuyết tình dục» hay khiêu dâm, trong đó có cả tác phẩm của đại văn hào Tolstoy và nhà văn di dân Nga, Nabokov, vì các tác phẩm nầy diễn tả khát vọng cảm giác (dịch chữ «sensuality») của nhân vật dưới một hình thức nào đó, bị coi là đi ra ngoài hàng rào luân lý xã hội thời đó.
Tôi chưa hề viết hay cho xuất bản “literary erotica” bao giờ cả. Vì MHQ, một cô giáo của tôi ở trường trung học cũ so sánh tôi với Hồ Xuân Hương trong khi tôi chưa bao giờ thích thơ hai nghĩa (double entendre) của HXH. Tôi thích thơ cổ điển, trang nhã và u hoài của bà Huyện Thanh Quan hơn.
Tôi không nghĩ rằng văn chương của HXH là «literary erotica» vì tất cả các bài thơ của bà đều có luận đề quá rõ ràng và hiển nhiên - chủ đích của bà không phải là làm thơ để tạo cảm giác «mua vui» cho độc giả. Theo tôi, những bài thơ không có luận đề bị đem gắn vào tên bà thường không mang «thi phong» của HXH.  Nói về HXH, tôi chỉ thích và thán phục những câu thơ nổi lên chí khí cao của bà (thí dụ dưới đây.  Theo tôi, HXH nói về chính mình chứ không phải nói về Ông Phủ Vĩnh Tường):

Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Ne'm tung hồ thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi…


Nữ văn sĩ Anais Nin, ngược lại, cố tình viết tiểu thuyết tính dục để kiếm tiền. Hình như bà ta được trả mỗi trang 1 đồng đô-la Mỹ, khoảng đầu thế kỷ 20. Văn của Anais Nin rất đẹp, tuy rằng viết để mua vui cho độc giả đàn ông. Tác phẩm khiêu dâm của Tây Phuơng viết dưới thời nữ hoàng Victoria đa số là «ẩn danh.»  Trước Anais Nin, văn chương tình dục là môi trường hoàn toàn được thống trị bởi nam giới, thiếu hẳn cái nhìn của phụ nữ. Vì thế, có nhiều người cho rằng Anais Nin là chiến sĩ cách mạng của phụ nữ khi bà tham gia vào cái «club» đàn ông chuyên viết tiểu thuyết tình dục. Tuy nhiên, nét thẩm mỹ trong văn của Anais Nin đã cho bà một chỗ đứng cao trong văn chương Anh Mỹ.

QH : Chị nói rằng không có ý định trở thành nhà văn cho cộng đồng hải ngoại. Như vậy thì tại sao có những tác phẩm tiếng Việt xuất bản sau “Mùi Hương Quế” ?

DNN: Tôi chủ trương không ra mắt sách cho cộng đồng người Việt để có dịp bán sách cho đồng hương. Chủ trương nầy đồng nhất với quyết định nghề nghiệp: từ năm 1984, tôi chưa hề muốn mở văn phòng Luật để kiếm sống trong cộng đồng người Việt hải ngoại.  (Nếu ngày nào tôi mở văn phòng luật, đó là ngày tôi muốn phục vụ, nhất là các vụ án kỳ thị chủng tộc, vi phạm nhân quyền, hay các vụ án lie^n quan đến tri thức và chuyên gia gốc Việt.)
Vì thế, tôi chỉ đi ký sách theo lời mời một vài cộng đồng địa phương; thí dụ: cộng đồng Phuợng Vĩ của trường Đồng Khánh Huế (vì mẹ tôi), cộng đồng cựu nữ sinh Trung Vương ở Washington, D.C. cho cuốn “Postcards from Nam,” và những buổi đọc sách (literary reading) theo lời mời của một số đại học và thư viện trong dòng chính.
Năm 2005, tôi nhận được cú điện thoại của chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn và nhà văn ở Việt Nam, nói chuyện dựng kịch cho cuốn MHQ. Tôi hiểu đó là sân khấu ở Việt Nam. Tôi suy nghĩ rồi quyết định không thể được. Tôi viết email cho chị Ngọc, và nói rằng “Chữ Trinh còn một chút nầy, Chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan !…»  Lý do: tôi không muốn trở về Việt Nam để tạo tiếng tăm và chỗ đứng cho tác phẩm của mình.  Nếu tôi có dịp phục vụ cho đồng bào trong hay ngoài nước trong khả năng của mình, tôi sẽ không từ nan, nhưng nhờ vả vào khối người Việt nhất là trong nước để tạo tiếng tăm và chỗ đứng thì không.  Sự đồng nhất trong quyết định nghề nghiệp và tâm tư cho chính mình, đối với tôi, giống như chữ «trinh» của cô Kiều -- đó là tính nhất quán của tâm tư Kẻ Sĩ (mà nghệ sĩ cũng cần phải giữ), cho dù tôi không dám nhận mình là Kẻ Sĩ. (Thí dụ: với riêng tôi, Nguyễn Trãi xứng đáng là Kẻ Sĩ và tôi không giới hạn nghĩa nầy vào Khổng Học; trái lại tôi nói rộng chữ nầy với ý nghĩa của từ «Noblesse Oblige» trong tiếng Anh và Pháp.)
Chính vì cú điện thoại của chị Minh Ngọc mà tôi quyết định cho ra đời tập truyện «Chín Chữ của Nàng» để khẳng định tâm tư của tôi, bằng tiếng Việt, cho người Việt. Tâm thức quay về với nguồn cội, đối với tôi, phải là một sự cho đi (giving), một cố gắng thôi thúc bởi «Noblesse Oblige,» không thể là việc «nhận lấy» (taking) từ đám đông vì quyền lợi cá nhân.
Sau «Chín Chữ Của Nàng» là bản dịch cuốn “Sông Hương.”   Đây là món quà tôi tặng cho mẹ tôi vì bà không đọc được tiếng Anh mà không cần từ điển. Cuốn “Bưu Thiếp của Nam” có mặt cho cộng đồng người Việt vì Giáo Sư Đoàn Khoách Thanh Tâm của trường Đồng Khánh Huế cũ, có nhã ý muốn dịch cuốn sách nhỏ này để tưởng nhớ những thuyền nhân đã bỏ mình trên mặt biển, trong đó có một số cô giáo và bạn cùng lớp của tôi thời trung học ở Việt Nam. Tôi cho đó là bổn phận, hành động cho đi. (Tiền bán sách dĩ nhiên phải có để đền bù phí tổn và công trình in sách của nhà xuất bản Văn Mới.)
Cuốn “Mimi and her Mirror” không có mặt trong cộng đồng người Việt qua bản dịch tiếng Việt.  Độc giả thích hợp với nội dung của Mimi sẽ tìm đến Mimi mà thôi.

(XEM TIẾP PHẦN HAI: “LỊCH SỬ, SỰ THẬT, HAY TIỂU THUYẾT? SÔNG HƯƠNG, DỊ HƯƠNG, VÀ BÓNG ĐÈ”)

No comments:

Post a Comment