https://petruskyaus.net/bien-ban-lich-su-chuong-trinh-do-vui-de-hoc-95-n-v-dung/https://petruskyaus.net/bien-ban-lich-su-chuong-trinh-do-vui-de-hoc-95-n-v-dung/
Các bạn thân mến, đây là lần thứ ba tôi tìm cách khơi dậy chuyện xưa. Nhưng lần này với một tinh thần khác. Tôi muốn viết lại lịch sử dưới một góc nhìn khác, khách quan, vô tư và không thiên vị. Hồi còn trẻ, chúng ta có khuynh hướng hiếu chiến hiếu thắng. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta tĩnh tâm và không còn lửa trong người nữa. Chúng ta trở nên lạnh lùng theo ý tốt của từ ngữ. Chúng ta nghe đi nghe lại chương trình đố vui để học ngàn năm một thuở, không bao giờ được lặp lại lần nữa với một lỗ tai khác, không còn quan tâm đến việc thắng thua nữa. Tôi ghi lại biên bản này cốt là dành cho các độc giả bàng quan, không hẳn phải là cựu học sinh Petrus Ký, mà có thể cho bất cứ ai. Tôi đã phải nghe đi nghe lại nhiều lần, chỗ nghe được chỗ bị mất, phải lên Google kiểm tra lại những tên bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức được nhắc đến trong chương trình để độc giả nắm chắc được khi vận dụng mắt thay vì tai. Có một nghệ thuật biến cái cũ rích thành cái mới mẻ. Mục đích của bài này là như thế. Trong chương trình ông Cao Thanh Tùng thường đặt nhiều tình cảm vào. Như có lần đã nói: “Chu văn An rượt gần kịp Petrus Ký”, hoặc “người đeo mắt kính thường thông minh”, “người mới lên thay Bùi văn Dũng thuộc đội A là Lê văn Thắng đeo kính cận thị, mong rằng em giúp đội A gỡ lại”, hoặc khi bạn Lương văn Hy đeo kính cận trả lời sai ông nói: “Coi chừng đấy nhé, tôi bắt em phải gỡ kính xuống, người đeo kính thường thông minh. Em đeo kính mà lại trả lời lung tung, không được đâu”, v.v… Đó là những lời phê phán và nhận xét có phần thiên vị. Chúng ta sẽ loại bỏ chúng ra khỏi biên bản này để đạt tiêu chuẩn khách quan, vô tư và không thiên vị. Ngoài ra, điểm mới khác của lần này là cập nhật điểm số của mỗi đội sau mỗi câu hỏi đã trả lời xong, giúp độc giả nhanh chóng nắm bắt được tình hình. Chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi số 1 với mô hình “Hỏi”—“Đáp”—“Điểm số tiệm tiến tạm thời” cho mỗi câu thay vì đợi đến phút thứ 10, 15, 20, 25 và 30 mới nghe kết quả.
- Nước nào dẫn đầu thế giới về sản xuất điện lực? (Hoa Kỳ; A trả lời) ===> A=0+10=10; B=0
- Một người nặng 72 kg sẽ còn nặng bao nhiêu trên mặt trăng? (khoảng 12 kg tức 1 phần 6,2 trọng lượng trên đất; B trả lời “1/5 trọng lượng trên trái đất, sau đó đính chính tức thì 1/6 tức 12 kg”) ===> A=10+0=10; B=0+10=10
- Ai đã khởi xướng việc đào hai con kênh Panama và Suez? (Ferninand de Lesseps; B trả lời) ===> A=10+0=10; B=10+10=20
- Tổ chức Minh ước Liên phòng Đông Nam Á có hội viên Việt Nam không? (Không; B trả lời) ===> A=10+0=10; B=20+10=30
- Tôi có 3 phát biểu và tôi hỏi rằng là ba phát biểu ấy của ai? (1) Từ một điểm ngoài một đường thẳng không thể vẽ một đường song song nào với đường thẳng đó? (2) Từ một điểm ở ngoài một đường thẳng có thể vẽ một đường song song với đường thẳng đó và chỉ một mà thôi? (3) Từ một điểm ở ngoài một đường thẳng có thể vẽ hai đườngsong song với đường thẳng đó? ([1] Riemann; [2] Euclid; [3] Lobachevsky; B trả lời) ===> A=10+0=10; B=30+10=40
- Câu thứ sáu là một câu mà các em phải làm việc với tôi ở trên bảng: Có một công thức và các em nhận diện đó công thức của chất gì? (Đội A bấm chuông nhưng không biết trả lời; đội B cũng không; câu trả lời của ban giám khảo là “Trinitro toluen=TNT”. Công thức đó là C6H2(NO2)3CH3.) ===> A=10+0=10; B=40+0=40
- Cho biết tên hai người Á Châu đã đoạt giải Nobel văn chương? (Kawabata người Nhật và Tagore người Ấn; B trả lời) ===> A=10+0=10; B=40+10=50
- Cho biết tên của một đập nước vĩnh viễn đi đôi với tên của một vị tổng thống vừa mất? (Đập Assuan bên Ai Cập do tổng thống Nasser xây; đội B trả lời sai là Hoover Dam, bị trừ 10 điểm) ===> A=10+0=10; B=50-10=40
- Vào thế kỷ thứ 18 Celsius đã chế ra hàn thử biểu thủy ngân; các em hãy cho biết Celsius đã ghi độ như thế nào trên hàn thử biểu đó? (Celsius đã ghi 0° ở hơi nước đang sôi và 100° ở trong nước đá; đội A trả lời ngược lại 0° nước đá, 100° nước sôi; đội B bổ túc “nước đá đang tan, hơi nước đang sôi”; cả hai đều sai bị trừ 10 điểm) ===> A=10-10=0; B=40-10=30
- Các em giấy bút sẵn sàng, tính thật nhanh và cho biết số dư thương số 2.598.358 chia cho 9, tìm số dư của nó. (4; đội A trả lời) ===> A=0+10=10; B=30+0=30
- Nhà bác học nào đã có công khởi xướng ngành cơ học ba động? (Louis de Broglie; A trả lời) ===> A=10+10=20; B=30+0=30
- Bây giờ câu thứ 12 các em phải làm việc với tôi ở trên bảng. Các em đã nghe nói tới hình vuông ma thuật tức là ma phương đó. Hình vuông có nhiều ô, nếu chúng ta cho những con số vào các ô ấy rồi cộng lại tính theo hàng ngang, hàng dọc và hàng chéo, tổng số đều bằng nhau hết. Ở đây có một hình vuông với nhiều ô, có 4 ô không có số.
Các em phải tìm ra 4 con số ấy. Này nhé, khi tôi mở ra, các em hãy sẵn sàng. Bốn con số ở chính giữa là bao nhiêu? (A bấm chuông nhưng không trả lời được, đội B cũng không biết. Đáp án là 6, 7, 10, 11) ===> A=20+0=20; B=30+0=30
- Người nước nào đã phát minh ra máy ghi âm vào băng? (Người nước Đan Mạch) không đội nào trả lời được. ===> A=20+0=20; B=30+0=30
- Nobel hòa bình nào đã nói một câu: “Tôi muốn mọi người hãy nói rằng tôi là một đội trưởng của một ban nhạc đang kêu gào công lý?” Đây là một giải Nobel hòa bình. Ông này làm nhạc trưởng của một ban nhạc quái gở, thay vì ru ngủ người ta lại kêu gào om sòm và người đã bắn ông chết ngay. (Martin Luther King; B trả lời) ===> A=20+0=20; B=30+10=40
- Không có câu số 15; người dẫn chương trình đếm nhầm (nhảy số). Sau 10 phút tạm ngưng, MC Cao Thanh Tùng đã bắt đầu lại với câu hỏi 16 thay vì 15. Như vậy toàn bộ chương trình có tất cả 54 câu hỏi chứ không phải 55. Tuy nhiên, để tôn trọng lịch sử, chúng ta không đánh số lại các câu hỏi, mà chỉ đưa thêm vào câu hỏi 15 không liên quan đến chương trình mà là một câu hỏi dự đoán kết quả, dành cho khán thính giả để trám vào chỗ trống. [Câu hỏi 15: Liệu bạn Lê văn THẮNG đạo mạo đeo mắt kính cận, lên thay bạn Bùi văn Dũng có mang lại thắng lợi cho đội A không? Lời giải đáp phải đợi đến cuối chương trình mới biết].
- Hai câu Hán văn sau đây liên quan đến sự kiện lịch sử nào? “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục; Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Câu đầu “Đồng trụ” do Mã Viện dựng lên; câu thứ hai “Đằng giang” nhắc đến Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo) ===> A=20+10=30; B=40+0=40
- Vị Tổng thống Hoa Kỳ nào đã nói một câu bất hủ ngụ ý: “Một phiếu thuận và 7 phiếu chống có nghĩa là phe thuận thắng?” (Abraham Lincoln; A trả lời) ===> A=30+10=40; B=40+0=40
- Nước nào có con sông tên là Don? (Nga; A trả lời) ===> A=40+10=50; B=40+0=40
- Trong tế bào loài người có bao nhiêu nhiễm thể? (46; B trả lời) ===> A=50+0=; B=40+10=50
- Ở đâu có miệng núi lửa tên là Copernick? (Trên mặt trăng; B trả lời) ===> A=50+0=; B=50+10=60
- Năm 1908 người dân miền nào của đất nước đã nổi lên chống thuế của thực dân? (miền Trung; A trả lời) ===> A=50+10=60; B=60+0=60
- Ai đã được vua Gia Long khen tặng 4 chữ “Sùng Đức xử sĩ”? (Võ Trường Toản) không ai trả lời được. ===> A=60+0=60; B=60+0=60
- Một triết gia đã tự cho mình đã làm một cuộc cách mạng Copernick. Người đảo ngược mối tương quan giữa chuyển thể và thất thể? Hãy cho biết tên triết gia đó. (Kant) Không ai trả lời. ===> A=60+0=60; B=60+0=60
- Các em hãy kể 3 nguyên nhân chính đưa tới tham vọng đế quốc của Nhật Bản. ([1] sự phát triển kinh tế và dân số [nạn nhân mãn; dân số quá đông], [2] phe quân phiệt nắm quyền; A trả lời; [3] nhu cầu tìm kiếm thị trường; B trả lời) ===> A=60+7=67; B=60+3=63
- Ai đã lên nguyệt cầu lấy đất mang về xét nghiệm? (không có ai; A trả lời) ===> A=67+10=77; B=63+0=63
- Hồi Đệ nhị Thế Chiến ở nơi nào bên Đức bị dội bom nhiều nhất? (Vùng Ruhr; B trả lời Berlin, rồi Peenemünde; sai) ===> A=77+0=77; B=63-10=53
- Ở thế kỷ trước, nhà xã hội học nào của Pháp đã nói: “Tư sản, tức là ăn cắp”? (Proud’hon; B trả lời) ===> A=77+0=77; B=53+10=63
- Câu thứ 28, các em làm việc với tôi trên bảng, mời các em nhìn lên đó. Các em sẽ có 3 số {3.003; 30.003; 300.003} và các em trả lời cho tôi đúng số nào trong 3 số đó chia đúng cho 33? (003 và 300.003; đội A trả lời không có số nào [sai, trừ 10 điểm]; B trả lời 3.003 được 3 điểm) ===> A=77-10=67; B=63+5=68
- Con sông nào đã gây cảm hứng cho văn sĩ Mark Twain? (Mississipi; A trả lời) ===> A=67+10=77; B=68+0=68
- Các em cho biết tên thông dụng của một chất hóa học; tôi đọc tên của nó: glutamat monosodium, hay là glutamat mononatri. Chất đến từ tác dụng của acid glutamic. (Bột ngọt) Không ai trả lời được. ===> A=77+0=77; B=68+0=68
- Cộng hòa Nhân dân Trung hoa được thành lập năm nào? (1949; A trả lời) ===> A=77+10=87; B=68+0=68
- Vụ án Nhân văn giai phẩm ở Bắc Việt đã xảy ra năm nào? (1960; A trả lời 1958, rồi 1962 [sai, trừ 10 điểm]; B trả lời 1960) ===> A=87-10=77; B=68+10=78
- Tác giả nào ở thời kỳ giữa hai tờ Đông dương tạp chí và Nam phong tạp chí đã nói như thế này: “Chúng tôi cảm thấy xa lạ ngay trong nước chúng tôi”? (Phạm Quỳnh). Không ai trả lời được. ===> A=77+0=77; B=78+0=78
- Trong bốn chất kim loại, nhôm, sắt, mangan và thủy ngân, chất nào được tìm thấy từ thời tiền sử? (Sắt và thủy ngân; B trả lời “Sắt” thiếu “thủy ngân”) ===> A=77+0=77; B=78+5=83
- Các em làm việc với tôi trên bảng. Các em cho biết quốc tịch của các triết gia sau đây: Tôi mở ra, úm ba la, các em trả lời liền. (Edmund Husserl người Đức; John Locke người Anh; Diderot người Pháp; Kierkegaard người Đan Mạch; B trả lời) ===> A=77+0=77; B=83+10=93
- Hai dòng nước nóng và lạnh gặp nhau ngoài khơi nước Nhật tên gì? (Oya-Shivo và Kuro-Shivo; A trả lời Kuro-Shivo; B trả lời Oya-Shivo) ===> A=77+5=82; B=93+5=98
- Nghệ thuật thứ 7 là gì? (Điện ảnh; B trả lời) ===> A=82+0=82; B=98+10=108
- Người ta ước lượng số người chết ở Thế Chiến II là bao nhiêu? (Khoảng 30 triệu người) Không đội nào dám trả lời, sợ sai. ===> A=82+0=82; B=108+0=108
- Các em có 4 chất sau đây: bạc, chì, thủy ngân, tungsten; trong các chất đó, chất nào nặng nhất? (Tungsten; A trả lời “chì”; B trả lời “thủy ngân” [sai]) ===> A=82-10=72; B=108-10=98
- Năm 1967, tổng số than đá và than non do Trung Cộng sản xuất đứng hàng thứ mấy trên thế giới? (Hàng đầu; A trả lời) ===> A=72+10=82; B=98+0=98
- Ai đã lần đầu tiên bay qua Đại Tây Dương? (Charles Lindbergh; B trả lời Louis Blériot rồi đính chính Charle Lindbergh) ===> A=82+0=82; B=98+10=108
- Ai đã được trao tặng giải thưởng Nobel văn chương 1970? (Aleksandr Solzhenitsyn; B trả lời) ===> A=82+0=82; B=108+10=118
- Ở La Mã Giáo hoàng nào đã phong chức giám mục cho nhiều người da đen? (Pie XI). Không đội nào biết câu trả lời. ===> A=82+0=82; B=118+0=118
- Trong bốn nhóm máu A, B, AB và O, nhóm nào nhận tất cả loại máu? (AB; A trả lời) ===> A=82+10=92; B=118+0=118
- Các em làm việc với tôi trên bảng: Các em cho biết nguyên tên tiếng Anh và tiếng Việt các tổ chức quốc tế sau đây: (ILO: Tổ chức lao động quốc tế=International Labor Organization; ITU: Liên hiệp Viễn thông quốc tế=International Telecommunication Union) ===> A=92+0=92; B=118+10=128
- Các em cho biết tên của người Pháp đã sáng chế ra chữ cho người mù. (Louis Braille; A trả lời) ===> A=92+10=102; B=128+0=128
- Người ta thường nói bốn mùa và tám tiết, các em cho biết tám tiết. (Lập đông, lập xuân, lập hạ, lập thu, xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí; B trả lời) ===> A=102+0=102; B=128+10=138
- Tác phẩm nào của Jean-Jacques Rousseau có nội dung giáo dục? (Émil; B trả lơi) ===> A=102+0=102; B=138+10=148
- Xương dài do xương sụn biến thành. Xương sụn có bao nhiêu điểm hóa cốt? (3; A trả lời “2 điểm hóa cốt” [sai]) ===> A=102-10=92; B=148+0=148
- Bây giờ các em hãy làm việc với tôi trên bảng. Khi tôi mở bảng ra, úm ba la, các em cho biết 4 nhân vật có tên trên đó là người nước nào và nổi tiếng về gì. (Leonardo da Vinci là họa sĩ người Ý; Neil Armstrong là phi hành gia đầu tiên của Hoa Kỳ đổ bộ lên mặt trăng; Homer là thi hào cổ nổi tiếng người Hy Lạp; A trả lời đúng 3 tên; tên thứ 4 Richard Strauss nhạc sĩ người Đức [đội A trả lời sai]) ===> A=92+5=97; B=148+0=148
- Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam dựa trên hiến pháp nào? (Đệ nhị Công hòa Việt Nam dựa trên hiến pháp ban hành ngày 2.4.1967; A trả lời) ===> A=97+10=107; B=148+0=148
- Câu hỏi 52 có hai phần, các em trả lời từng phần một. Phần thứ nhất: Thế vận hội sắp tới sẽ được tổ chức năm nào? (1972; B trả lời); Phần thứ hai: Thế vận hội vừa qua đã được tổ chức ở đâu? (Mexico; B trả lời) ===> A=107+0=107; B=148+10=158
- Đa số các nhà phê bình đồng ý thi sĩ nào là gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới? (Tản Đà; B trả lời) ===> A=107+0=107; B=158+10=168
- Tần số âm cơ bản phát ra từ một ống sáo tùy thuộc vào những yếu tố nào? (Tùy thuộc vào sự chuyển động của bầu không khí trong ống và chiều dài của ống; A trả lời) ===> A=107+10=117; B=168+0=168
- Cho biết tên các sinh tố tan trong chất glucid. (Sinh tố A, sinh tố C, sinh tố D, sinh tố K; B trả lời A, D và K, thiếu sinh tố C) ===> A=117+0=117; B=168+7=175
Hết giờ
Thí sinh xuất sắc nhất với tư cách cá nhân được bình chọn là: Huỳnh Quang Tiến, đội A—Chu văn An.
Mong rằng biên bản cập nhật này giúp các độc giả bàng quan theo dõi phần thu âm tốt hơn và nắm bắt rõ hơn là khi chỉ nghe suông phần thu âm, chữ được chữ mất và thưởng thức chương trình tốt hơn một cách khách quan, không cần cổ vũ cho đội A hay đội B. Giờ đây thắng thua chỉ còn là chuyện quá khứ. Công tâm mà nói, rất tiếc, bạn Lê văn Thắng đeo mắt kính thuộc đội A đã lên thay anh Bùi văn Dũng đã không mang được thắng lợi về cho đội của mình như mong đợi. Đây là lời giải đáp cho câu hỏi bổ sung số 15 nêu trên.
■ Nguyễn Việt Dũng, Petrus Ký 1964-71.