Nhân Một Kinh Nghiệm Thơ
ĐỖ LONG VÂN
Tặng LÀNH
Nhà phê bình
Đỗ Long Vân
(1934-1997)LTS: Đỗ Long Vân là một trí thức du học Pháp, học ở Sorbonne, bạn đồng thời với nhà thơ Nguyên Sa. Dạy Đại Học Văn Khoa một thời gian rồi đi quân dịch với cấp bậc binh nhì. Ông chết sớm ỏ Việt Nam. Đỗ Long Vân là người mà chúng tôi xin gọi là “đấng tài hoa” dù ông yểu mệnh và chỉ đề lại cho đời chừng dăm bài biên khảo đặc sắc. Chỉ cần với “Vô Kỵ giữa chúng ta” ông đã đánh tụt giá được những gì được coi là chính thống, đặt lại vấn đề chính, tà, tà chính, ai hơn ai, ai chính nghĩa hay ngụy quân tử?Ông viết ít, rất ít. Viết khó. Nhưng viết cái nào ra cái nấy. Đọc bài viết sau đây của ông về thơ Nguyên Sa, người đọc có cảm tưởng ông chịu ảnh hưởng triết gia G. Bachelard trong lối mô tả Hiện tượng luận với La psychanalyse du feu, L'eau et les rêves, La terre et les rêveries du repos... Tân Văn xin đăng lại bài này để tưởng nhớ cả hai đấng tài hoa của văn học Việt Nam.
Cho tôi tìm một chữ mới
Không có trong hai mươi nhăm chữ cái
Để bất đầu tên em.
Nguyên-Sa
A.- Hay là... hay là.
Nhà thơ Nguyên Sa
(1932-1998)
Tiễn-biệt trong từ-chương là một đề tài cổ điển. Ấy cũng là tên một bài thơ của Nguyên Sa trong những bài dễ thương nhất. Nói nó dễ thương là nói, một cách khác, rằng nó không thật là mới. Mới tuyệt đối thì ai hiểu được mà thương ngay? Nhưng cũng may là màu xanh ấy của đêm, của nước, của chia-ly chẳng có gì đáng cho người ta lạ. Và cả âm-điệu của bài thơ nữa, tuy không theo đúng một luật nào, nghe cũng như một tiếng sáo khuya vọng lại từ một vùng xa xôi của trí nhớ. Ai nghe kỹ tuy nhiên, không thể không nghĩ rằng, sau sự quen tai ấy, có một cái gì trái cựa. Tất cả như đã lỡ rùng mình. Và người ta đột nhiên thấy sự thiếu thực-tính của tất cả. Cái thế-giới người ta tưởng đã thuộc mặt rồi ấy chợt người ta ngờ nó đã mất căn bản. Nó trở nên một thế-giới ma chơi. Và tất cả ẩn và hiện và chập chờn. Tất cả không ngừng chạy ra ngoài tầm một ngôn-ngữ cố đuổi theo chúng mà không xuể. Cho đến cuộc tiễn-biệt ấy tôi cũng không thể nói rằng nó đã thực xảy ra. Hình như có một người ra đi. Nhưng đi đâu và đi bằng gì và đi lúc nào thì tôi không biết. Cũng như tôi không biết người ấy đã đi chưa.
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi.
Tôi chỉ có thể đặt câu hỏi và nói mò. Nhưng từ cái hay là này sang cái hay là khác, nói thế nào tôi cũng thấy thiếu thực-tính như thế. Mọi sự như bảo nhau chuồn trước ngôn-ngữ. Và sau cùng tôi cũng chẳng biết là tôi đưa người hay tôi đưa tôi. Nghĩa là tôi không biết có còn tôi không nữa. Mà còn gì có thể biết được, khi ngôn-ngữ đánh lừa tôi? Nó nói thế này, nhưng lại bảo rằng thế khác cũng xuôi đề, kết luận, chẳng ai biết thực sự thế nào. Cũng may là còn biết được sự không biết ấy! Rất có thể người đã đi cũng như người, rất có thể, còn ở bên tôi. Nhưng thế có đổi gì đâu? Quan-trọng là dù thế nào tôi cũng không thể tới người? Nghìn dặm cách hai người yêu cũng là chỗ họ gặp nhau. Chúng đầy tình yêu của họ và cho nó nghĩa và tương-lai. Nhưng tôi và người, dù chỉ để gặp nhau trong chỗ xa nhau ấy, cũng không thể. Lý do rất đơn giản là chẳng có gì cách người và tôi và, như thi-sĩ đã nói:
Bức tường vô-hình nên bức tường dầy mênh-mông.
Hóa ra dù có sát mặt nhau chăng nữa, tôi cũng không thể nào nhận ra người. Mà nhận ra người sao được, khi tôi còn không thể nhận ra tôi. Hay nói đúng hơn thì tôi mất tôi là tại tôi đã mất người. Người là môi-giới giữa tôi và tôi. Và giữa tôi và người thì gì lằm môi-giới nếu không là ngôn-ngữ? Nhưng cả bài thơ bảo tôi rằng ngôn-ngữ không nói đúng. Thế là đứt mối giữa tôi và người và thế-giới chung quanh. Cái ngôn-ngữ xưa nối thế giới và người và tôi không tin được nữa - cũng như con người của ngôn-ngữ ấy. Xưa có một con người. Không là anh mà cũng chẳng là tôi. Nó là nơi anh và tôi nhận ra nhau là người. Là cái căn bản tiềm- nhiễm của ngôn-ngữ và của sự sống chung. Nhưng con người ấy như đã chết. Và tôi bỡ ngỡ đi lạc, với một ngôn-ngữ mồ côi - đã mất bảo-đảm - từ cái hay là này sang cái hay là khác, giữa tôi và người và những sự đời. Tiễn-biệt?
Giờ thì tôi biết tại sao bài thơ ấy lại mới và cũ và lý-do của sự nó có mặt trong một tập thơ mang tiếng là “tự-do”. Nó diễn lại cái chết của những yên-trí xưa như cái chết tuy đã xẩy ra cho một người. Tiễn-biệt? Tôi biết là tôi không đưa ai. Tôi đưa con người. À! Cái danh-từ sao mà to thế! Thế tuy nhiên là tất cả. “Cũng một đêm nào như đêm nay, Jessica...” Cũng một đêm nào như đêm nay Bạch Cư-Dị nghe tiếng tỳ-bà vọng và người cung-nữ của Ôn-Như, nghiêng bình phấn mốc, chờ một ông hoàng si không trở lại. Cũng một đêm nào như đêm nay, Kiều, một mình trong đất khách, tiếc đã một lần can một chàng Kim-Trọng quá đa tình. Trên những đồi Điện-Biên-Phủ, cũng một đêm nào như đêm nay, người ta chở người thương binh cuối cùng. Và một ảo-tưởng vội qua đời.
B.- Cuộc khủng-hoảng của ngôn-ngữ trong thơ đương thời.
Lẽ dĩ-nhiên cái chết ấy của con người cũ không là một cái chết có ngày trong lịch. Nó xẩy ra ở đáy lòng của từng người. Có sống nó mới biết nó. Ấy là một biến-cố lang-thang của thời-đại. Và ai cũng có thể, một ngày nào, gặp nó đến với mình để, trong một chớp-nhoáng, thấy tất cả đời mình dựng trên một trá-thuyết. Người thì biết nó đã lâu, cũng như có người vẫn làm như chẳng có sự gì xẩy ra. Ai trước cái chết ấy cũng có một trả lời riêng. Nhưng thế nào thì ngấm-ngầm và một cách cụ-thể cuộc sống của tất cả mà người cũng đã bị nó đổi. Mà làm sao chối được sự có mặt của nó trong cái phần đẹp nhất của từ-chương đương-thời? Cứ đọc Thanh-Tâm-Tuyền, Dương-Nghiễm-Mậu, Nguyễn-Nghiệp-Nhượng, Lý Hoàng Phong... thì đủ biết! Nhưng tác-động của nó lớn nhất trong thơ. Qua thơ là cả ngôn-ngữ, như một thể-thống diễn-tả, đã bị nó nghi-vấn-hóa.
A! người ta tưởng rằng những thi-sĩ chỉ có một việc là viết cho hay để người đọc có thể ngồi yên-hưỏng những câu thơ như những đóa hoa và khen và chê tùy cái thú của mình! Cái hay của người thi-sĩ tuy-nhiên, như của tất cả những nghệ-sĩ khác, không thể có ngoài cái thật. Nhưng nói thật được không là tùy ở ngôn-ngữ. Mà một khi ngôn-ngữ đã bị nghi-ngờ thì “thơ” là chữ đầu-tiên... Cho nên người ta có chê thơ đương-thời không là thơ đi nữa thì những thi-sĩ cũng không lạ. Hơn ai hết họ biết họ không biết thơ là gì. Mà thơ là gì? Tiếc những người thường chê thơ đương-thời không là thơ không biết rằng, câu hỏi ấy, chính cái thơ bị chê không là thơ đã đặt ra và gây nên. Nó là câu hỏi của thơ. Rất có thể - ai biết đâu? Thơ không có. Nhưng thơ đương- thời là một cuộc tìm thơ ở giữa lòng ngôn-ngữ. Nó là thơ cũng như thơ chỉ là thơ đang tìm mình. ít nhất nó cũng không là văn xuôi. Nghĩa là không những nó đã bỏ tất cả những đồ trang-sức, xưa, cho phép gọi là thơ bất cứ một ngôn ngữ có vần nào, mà còn từ-chối cả ngôn ngữ nữa.
Ngôn-ngữ của nó không để nói. Và những chữ chết đứng. Ẩy toàn là những ảnh-tượng. Xưa thơ có ảnh-tượng. Như một của thừa. Chúng là cái thêm vào cho diễn-từ sáng. Không có chúng thì diễn-từ cũng đủ nghĩa. Chúng cụ-thể-hóa nghĩa của diễn-từ. Và thế đẹp hơn. Nhưng diễn-từ vẫn có và nghĩa của sự bị diễn. Ẩy là những sự lạ được ngôn-ngữ hóa ra quen. Người ta đã xếp chúng theo một trật-tự người. Hay nói một cách khác thì chúng đã bị tả-chân. Nghĩa là có một sự-thật duy-nhất chúng. Và sự-thật ấy là môi-giới giữa chúng và người. Nó đặt giữa chúng những tương-quan hiểu được. Làm chúng có liên-tục và diễn-từ trở nên xuôi tai. Ý của thơ đương-thời, trái lại, là trực-diễn chúng. Gọi nó là thơ tả-thực cũng được. Nó bắt đầu trong ý-thức rằng nghĩa của một sự không diễn thực sự ấy. Lấy chữ “trăng” chẳng hạn. Nó đâu chỉ là trăng của trời! Mà còn là trăng của những con thuyền làm duyên trên nước biếc, của những tiếng hát giữa dòng xanh, của những đêm tình không thể hết và của gì nữa? Nghìn bài thơ đã đọc rồi. Nó là sự nên thơ, sự dịu-dàng, sự đau xót. Là tuổi trẻ, là đồng-quê, là cô-độc. Tất cả những sự ấy cho nó một tiếng thì-thầm riêng. Hơn là cái nghĩa đen, những tiếng thì-thầm ấy trong lòng chữ, làm có diễn-từ và người ta hiểu nhau.
Ngôn-ngữ vốn đứt quãng. Nghĩa đen của chữ và tương-quan văn-phạm giữa chúng không đủ tạo một diễn-từ chì có thể có trên nền một thế-giới chung mà chúng tiềm-diễn. Thế-giới chung ấy là nơi người ta gặp nhau trong cuộc sống thường ngày cũng như trong ngôn-ngữ. Nó là mặt trái của cái sự-thật đang môi-giới những chữ để đổi chúng thành diễn-từ và cho chúng một nghĩa người. Thơ đương-thời từ-chối cái nghĩa người ấy để trả lại chữ nghĩa đen của chúng và, qua chúng nguyên-tính của những gì chúng gọi tên. Nghĩa của người không là nghĩa của vật. Ai cũng biết thế và từ lâu. Chưa bao giờ tuy nhiên biết cái ấy lại được sống một cách thảm như thế. Hẳn thế không có nghĩa, như có người tưởng, là giờ người ta thông-minh hơn người xưa. Nhưng xưa cái nghĩa người còn có một con người bảo-đảm. Xưa còn có một con người để ở cái thế-giới chung trong ấy có thể có một nghĩa người. Con người ấy đã chết. Và cái thế giới chung, người ta chợt thấy, không thật là của chung. Trăng chẳng hạn không là trăng cho những người chết trong ngục tối. Nói đến trăng như người ta vẫn nói trở nên cũng ghê- tởm như xử-tử một người nào là nói điêu.
Ấy tuy-nhiên chỉ là cái thí-dụ ngây-thơ nhất. Sự lệch nhau giữa nghĩa người và nghĩa của vật là một chuyện muôn đời. Nhưng cuộc khủng-hoảng đương-thời của ngôn-ngữ không thể hiểu ngoài cuộc khủng-hoảng lớn hơn của xã-hội người ta đang sống. Giờ chưa phải lúc viết lại câu chuyện ấy. Nhưng người ta đã có thể nói rằng, nếu có khủng-hoảng, thì cuộc khủng-hoảng ấy có những giới-hạn sử nhất-định. Và thế nghĩa là nó sẽ bị vượt qua. Trăng của người không là trăng của trời, lẽ dĩ-nhiên, nhưng thế không quan-trọng. Quan-trọng là làm sao trăng trở nên trăng của tất cả mọi người để trong người ta nó không còn sáng như một tội ác và một lời nguyền rủa.
Sự tương-đồng giữa người và người là nơi của sự tương-đồng giữa người và vật: Cho nên trăng vẫn chờ một nghĩa mới, không thực hơn nghĩa khác, nhưng trong ấy trăng lại có thể thuận ý người. Tạo cái nghĩa ấy là việc của thế-hệ này. Nhưng như tất cả những sáng-tác nó đòi có tưởng-tượng. Hơn nữa người ta chỉ thể tưởng-tượng những gì một phần nằo đã sẵn có. Mà đã có gì trong xã-hội này của một tương-lai đáng cho người ta tưởng-tượng và ao ước? Hình như giờ người ta thiếu cả hai! Và tưởng-tượng và cái đáng tưởng-tượng. Không đủ sức và đôi khi cũng không muốn vượt những mâu-thuẫn của thời-đại mà họ đeo trong người và sống qua ngôn-ngữ, người thơ đương-thời đã chọn một cách tự dối mình là đặt vấn-đề trong tuyệt-đối. Họ bảo là họ làm thơ siêu-hình. Và cho thế này là hay! Họ tự hào đã có can-đảm nhìn thẳng những câu hỏi căn-bản của cái họ gọi là phận làm người. Cái lầm của họ rất lớn. Người ta chỉ có cái phận người ta xứng đáng và những câu hỏi căn-bản không thể giải-quyết được ấy thường chỉ xẩy ra khi người ta không làm chủ được thực-tại nữa. E rằng cái mà giờ người ta vênh-váo gọi là Siêu-hình chỉ là một cách đổ cho tự-nhiên và an-ủi sự thất-bại của mình. Nhưng ít nhất thì sự thất-bại ấy thơ đương-thời không dấu. Nó là sự thất-bại ấy sống qua ngôn-ngữ. Mà không thất-bại thì nó có thể có mặt trong thời-đại này như thế không? Sự thất-bại của nó là sức mạnh của nó.
Hình như người thơ đương-thời đã nhất-định rằng một sự có nghĩa là một sự bị phản. Nghĩa chỉ là nghĩa lạm. Và tất cả những câu xuôi tai và nghe có cái liên-tục của diễn-từ đều trở nên đáng ngờ. Ngôn-ngữ được coi như một cạm. Cho nên giờ thơ lấy chữ để phá ngôn-ngữ. Cái việc ngược đời của nó là làm tối nghĩa. Nó khó hiểu. Không tại người ta cho rằng thơ phải khó hiểu mới hay và những kẻ khác đời như thi sĩ cần có một ngôn-ngữ riêng để người thường không thấu nổi. Ấy là một thuyết đã lỗi thời và không ai nghĩ thế nữa. Cái khó hiểu của thơ đương-thời, đơn-giản hơn, là ở chỗ nó không có gì để hiểu. Không có ẩn ý. Vẫn những chữ ấy và những sự ấy. Khác là tương-quan giữa chúng không là cái tương-quan người ta chờ đợi ở một trật-tự người. Không thể quy chúng vào một cái gì đã biết sẵn. Người ta đành nhận chúng thế thôi! Và ngơ-ngác trước những chuyện chưa thấy bao giờ. Thế-giới mất cái vẻ yên-tâm thường ngày. Nó không của người nữa. Và những quái-tượng ồ vào. Nhẩy lên mặt người, sô người đi, và con người, như đã bẹp rúm, thấy nhưng không nhận ra. Những sự lạ đời, nhưng không thể chối được, vẫn đương-nhiên xông đến. Mà lấy gì để nhận ra? Người ta đã từ-chối tất cả những môi-giới để nhẩy thẳng vào cái thực trước con người.
Thơ đương-thời đòi mới, nhưng mới nghĩa là nguyên-ủy; nó đòi tự-do, nhưng để trả cho ngoại-giới, nó đòi cái thực như thế, nhưng chỉ gây nên những quái tượng. Xưa thơ là tác động đẹp nhất của ngôn-ngữ. Nó cho cuộc đời một nghĩa người như là cái nghĩa đẹp nhất. Và trong nghĩa ấy thì chữ và những sự bị diễn không ngừng theo nhau mà tiêu đi. Người ta không thấy chúng. Mà thấy nghĩa của chúng như một chứng-cớ của sự có lý của con người. Giờ tối nghĩa thì sự có mặt của chúng, trái lại, càng nặng và cộm lên và xù ra. Nhận ra chúng tuy-nhiên thì không thể. Chúng không nói gì nữa. Ảnh-tượng giờ là sự có mặt câm ấy và cực sáng và cực tối như “những mặt trời đen”. Nó là biên-giới giữa yên-lặng và ngôn-ngữ. Là nơi ngôn-ngữ chửa nên lời, thế-giới hoá gở, tất cả đều có thế và con người không thể làm người. Nghĩa là con người, nếu còn là một con người, đã mất trí nhớ. Và tất cả đều mới tuyệt-đối. Cái mới của Nguyên-Sa thì trái lại...
C.-Tuyệt-đối, giả tự-nhiên và chủ-quan mở.
Răng cắn vào môi cho chặt phút không ngờ.
Sự không ngờ ấy tuy-nhiên là một cuộc làm quen lại. Tất cả cũng bắt đầu trong ngạc-nhiên. Ấy chỉ là sự ngạc-nhiên nửa mừng và nửa tủi, trước những gì người ta không đợi nữa nhưng chờ đã từ lâu. Người ta tưởng tất cả đã hết. Thì chợt tất cả lại đến. Và dậy một tò-mò và thức một trí-nhớ. Một ước-vọng xưa và không tên đã được trả lời. Xưa TIỄN-BIỆT cáo-chung một ảo-tưởng đã lỗi thời thì, giờ, một có thể mới bắt đầu. Người ta chưa dám tin, nhưng người ta không lạ: người ta đã nhận ra, nhưng người ta vẫn còn ngờ. Tất cả thơ Nguyên-Sa ở trong những bước đi nửa chừng ấy. Và ngôn-ngữ e-lệ, ngập-ngừng, bỡ-ngỡ. Một cách rất có duyên. Khác hẳn sự ngơ-ngác, trông một tiếng thét lớn, của thơ đương-thời.
Hình như Nguyên-Sa vẫn khoan-thai như chưa bao giờ thật mất lối. Ngay trong TIỄN-BIỆT, khi tất cả đều như sắp vỡ để nước sông Seine bỡ-ngỡ chảy quanh cầu, thì sự bỡ-ngỡ ấy cũng không hẳn, như ai cũng thấy, của một người đi lạc. Sông vẫn chảy nó không chảy về đâu nữa, nhưng vẫn chảy quanh một cái gì. Có thể bảo thơ Nguyên-Sa là một thứ thơ nói quanh. Nó nói cạnh và ví-von và bóng-gió. Sao lại thế? Là một chuyện khác. Nhưng cách nói ấy là sự khác nhau giữa anh và người thơ đương-thời. Nói gì thì họ đòi nói thẳng như thế. Họ đốt tất cả những môi-giới giữa thực-thể và ngôn-ngữ để biến ngần ấy chữ trong thơ họ làm ngần ấy lòng của thực-thể. Nhưng “giữa lòng thực-thể”, như Bachelard, đã nói trong một câu thật là xinh, thì thực-thể lại lang-thang”, và đi tìm tuyệt-đối, người ta chỉ làm nổ tung lên và tri-giác, và ngôn-ngữ và thế-giới. Kết-quả ngược đời là ngôn-ngữ càng gần cái thực như thế thì cái thực như thế lại càng xa và rốt cuộc, không nói được gì cả, người ta đành lấy sự không nói được ấy làm nghĩa cuối cùng của tác-động thơ.
Trong khi ấy thì Nguyên-Sa cứ nói quanh lại cho ngôn-ngữ ảo-tưởng của một chiều đi nghĩa là của một nghĩa. Ai đọc thơ anh cũng hiểu được. Và người ta vội chê rằng anh không đi xa. Thì anh cũng chê thơ đương-thời - Ôi! Lố gì hơn cái lố của những cuộc cãi nhau trong làng văn! nếu sau chúng người ta không thấy, lấp dưới những sáo-ngữ (nhưng tại sáo mà lấy để chửi nhau rất đắc-lực) tất cả những gì đang vượt chúng - là lập-dị một cách rẻ tiền. Lẽ dĩ-nhiên anh lầm. Ai cũng hiểu là có những thời người ta thi nhau giống nhau và nghìn năm vịnh cái điếu và nhắc lại vẫn những công-thức ấy mà không mỏi thì cũng có những thời người ta thấy cần lập-dị để thoát khỏi những nơi ở chung đã trở nên, trong đồng-lõa và trá-ước, nơi của tất cả những mê-hoặc.
Con đường của Nguyên-Sa khác. Nhưng tôi không nghĩ như người ta rằng thơ anh chỉ là một thứ thơ tự-do nhút-nhát, không dám đi đến cùng và tốt lắm, cũng chỉ là một sơ-ảnh của những lối thơ táo-bạo hơn. Không. Anh không là kẻ ở lại nhìn người ta đi. Nói đúng hơn thì anh, xoay lưng trước những bế-tắc của thơ đương-thời, là một kẻ trở về. Không. Anh không đi xa, như người ta nói, nếu đi xa là sự giả điên ấy; anh không đi xa, nhưng anh nhằm đi chỗ khác. Người ta đã không hiểu gì, nếu, trong thơ anh, người ta không thấy một ý-chí quyết không nhường quyền cho những mãnh lực vô-nhân-đạo, không phải để ôm lấy một trật-tự đã cũ, nhưng để chờ và giành sự có thể cho một thế-giới mới và một con người mới. Trong khi thơ đương-thời cắm cổ chạy theo một trật-tự tự tại không thể có thì thơ Nguyên-Sa là ngần ấy tác-động của cái tự-do người. Anh trả lại con người siêu-tính và sức sáng-tác của nó. Và tôi trộm nghĩ rằng thế là tương-lai.
Anh không phá gì cả. Lẽ dĩ-nhiên thơ anh không theo đúng một luật nào. Nhưng những câu không vần và chẳng đều nhau ấy đâu có gì mới. Người ta làm thế đã lâu. Khác xưa thế để nghĩa chữ và cụ-tính của chúng càng tương-kết chặt hơn; và cái trật-tự người thể hiện trong sự liên-tục của diễn-từ, được sự liên-tục trong âm-thanh nghĩa là trong cụ-tính của chữ ứng-trợ, lại càng có vẻ chính-đáng và ngôn-ngữ lại càng có vẻ tự-nhiên. Nhưng Nguyên-Sa gieo vần lệch cũng như anh đặt câu so-le để làm mất sự tự nhiên ấy của ngôn-ngữ. Nghĩa vẫn còn, nhưng nhịp đã gẫy và những câu đứng trơ ra như không dựa trên gì cả. Mới nhất là cái giọng của chúng. Ấy là giọng đơn-sơ của một người nói chuyện. Nó không ca cũng như không thét. Nó nói và chậm và đôi khi ấp-úng như của người không sẵn chữ. Nó do-dự, ngần-ngại, e-dè và không ngừng để yên-lặng làm đứt quãng. Và không ngừng vượt yên-lặng để nên lời. Nhưng cái đà nói không có nữa. Thì một lời là một bắt đầu tuyệt-đối, một lời là một đọan-trường và con người không ngừng giết cái ngây-thơ nguyên-ủy của nó và của thế-giới để làm người. Sự làm người không còn là một sự dĩ-nhiên nữa. Nhịp thơ gẫy làm những câu nói tầm thường nghe dựng ngược như những câu nói liều. Ngôn-ngữ hết ẩn con người như một ngôi nhà nhịp-nhàng làm sẵn. Nó để con người lộ. Và Nguyên-Sa không dấu cái “tôi” của anh. “Tôi” là chữ anh thường để đầu câu. Không phải anh thích nói chuyện mình, nhưng, cũng như anh lấy giọng của người nói chuyện, anh cốt để người ta khỏi quên sự có mặt của người nói và trách-nhiệm của nó trong cuộc đặt nghĩa cho những sự đời. Tầm thường gì hơn là nói:
Tôi muốn ví mắt em như một vì sao.
Nhưng mấy chữ “tôi muốn ví” tố-giác ảnh-hưỏng ấy như một sáng-tác tự dưng. Mắt người tôi yêu như một vì sao? Áy là tôi nói thế. Thế có thực không là một chuyện khác. Nhưng tất cả xẩy ra như là tôi có toàn-quyền độc-quyết. Và đảm-nhiệm cái quyền ấy, tôi cho cuộc đời nghĩa. Thơ Nguyên-Sa không giới-thiệu một cá-nhân. Nó cho người ta thấy, qua những lời ai cũng có thể nhận là của mình được, một người đang cố làm người. Con người không phải của trời làm ra nữa. Nó tự tạo trong cuộc tạo ngôn-ngữ. Hay nói một cách khác thì nó tự bịa ra mình. Con người thật vẫn chưa có. Mới có một con người thiếu, nghĩa là còn giả-tạo và chưa thuận với thế-giới chung-quanh.
Ấy lằ một thực-trạng người ta thường không nhớ. Hàng ngày người ta nói và sự xuôi-tai của ngôn-ngữ làm người ta yên-tâm tưởng thế-giới vốn như người ta nói là một trật-tự làm sẵn cho người ta ở và người ta thật là con người thế-giới vẫn chờ. Người ta quên rằng ngôn-ngữ đang có và cái trật-tự nó thể-hiện chỉ là một giữa nghìn trật-tự và ngôn-ngữ có thể khác. Và tất cả những cái có thể ấy đã bị diệt-trừ để người ta có thể nói như người ta đang nói. Ngôn-ngữ dựng trên bạo-động. Lấy bạo-động để trả lời bạo-động là sự lẩn-quẩn của thơ đương-thời. Họ phá cái ngôn-ngữ đang có để thế-giới lại có tất cả những có thể của yên-lặng nguyên-ủy. Nhưng một câu họ viết để phá cái ngôn-ngữ ấy cũng phá cái yên-lặng ấy nốt, và từ câu này sang câu khác, thế-giới, tùy theo những thói quen, những chuyện yêu, những điều ghét, những dự-ước thầm của người viết, lại bị quy vào một trật-tự khác cái trật-tự của ngôn-ngữ đang có, nhưng vẫn chỉ là một trong những trật-tự có thể. Khách-quan tuyệt-đối lại đưa đến chủ-quan tuyệt-đối. Kết-quả là người ta có những thế-giới chữ từ chối lẫn nhau. Nhưng tất cả đâm ra đều vô-lý như nhau. Và ngôn-ngữ đang có cũng vô tội như tất cả những ngôn-ngữ có thể khác. Nó chì bị lên án để án lại được trắng hơn. Bạo-động lại minh-oan cho bạo-động. Ấy là mâu-thuẫn của thơ đương-thời cũng như của tất cả những thái-độ tuyệt-đối. Người ta từ-chối tất cả để lại công-nhận tất cả, Và vẫn mất mặt con người trong một vòng khủng-bố không ngừng quay.
Khủng-bố là từ-chối đối-thoại. Người ta lập-dị. Và ký-cóp làm những bài thơ giả điên để, vỗ ngực là cũng có một thế-giới riêng như ai, người ta tuyên-bố rằng trong thế-giới ấy người ta là chúa và muốn làm gì thì, đã vào, ai cũng phải chịu. Ai không chịu thì cứ việc đi ra. Những kẻ khác thì có quyền chiêm-ngưỡng. Chứ còn gì nữa! Anh là anh. Tôi là tôi. Một người là một thế-giới riêng. Ai cũng có lý thì đối-thoại làm gì cho uổng công? Hình như Nguyên-Sa nhũn-nhặn hơn. Như người ta nói, anh không có thiên-tài. Mà giờ ai là thiên-tài? Thanh-Tâm-Tuyền? Sao lại không? Tôi cũng yêu người thi-sĩ ấy. Nhưng tôi nghĩ thiên-tài chỉ khác người ở chỗ nó như tất cả mọi người. Hay nói một cách khác thì nó đã vượt cá-nhân của nó để mở cái thế-giới riêng làm nơi tất cả mọi người lại nhận được mặt nhau. E rằng Thanh-Tâm-Tuyền và các bạn anh, qua ngôn-ngữ, đã lùi trong cái “tôi” của họ như người ta đi đầy. Họ đã thành những người ngoại đạo, ồ bên kia giới-hạn của ngôn-ngữ thường, và lấy sự khác thường của họ để kết án cái người ta gọi là thường như một trá-thuyết.
Không phải tôi không thấy trong con đường ly-khai ấy cái đẹp của nó. Nó của những tâm hồn kiêu-ngạo có những đòi hỏi vượt chúng, và cứ nhìn quanh mình, tính nhác biếng của độc-giả, sự ngoan-cố của một số nhà văn khác, cái đạo-mạo, tự-mãn và nhẹ dạ của đám người đang tranh nhau cái chức “trí-thức”, và trong mình, sức nặng của những truyền-thống văn-học trong nước và của ngoại-quốc, thì người ta thấy rằng, ít nhất, trong những ngày đầu-tiên, sự ly-khai ấy cũng không dễ như người ta tưởng. Hơn thế nữa, nó đã gây lại cho từ-chương của xứ này cái ý-thức của thảm-tính, của thiêng-liêng, của cái phần vô-nhân-đạo mà người ta cố quên trong cái giả tự-nhiên của cuộc sống thường ngày. Nó đã mang lại một số kỹ-thuật mới. Và chắc những người làm văn sắp tới không thể làm như không có cái kinh-nghiệm mấy năm rồi. Áy là một kinh-nghiệm sôi-nổi, có những sai lầm của nó, nhưng, tóm lại, đã làm giầu cho tất cả. Nhưng giờ người ta có cảm tưởng là nó đã đến chỗ bế-tắc và nhai lại. Ly-khai và khủng-bố mãi thì cũng chẳng đi tới đâu. Mà trong thế-giới của bạo-quyền thì còn gì buồn cười như sự làm chúa của cá-nhân trong mấy câu văn khổ?
Sự đề cao cá nhân ấy xưa ỏ Âu-châu đã gây nên một nền nhân-bản của sự khác biệt để chống lại cái giả tự-nhiên của con người cổ-điển, người ta đi tới chỗ ca tụng sự giết người! Lẽ dĩ-nhiên từ ngôn-ngữ đến tác-động còn xa và, tuy gào to, một A. Breton chẳng hạn cũng chửa giết ai bao giờ. Thế dễ hiểu. Nhưng người ta tưởng, nếu không có can-đảm giết người, thì những nhà văn ấy ít nhất cũng thản-nhiên để người ta giết nhau. Họ đã công phẫn phản-đối những cuộc tàn-sát của Quốc Xã và của Staline, tuy Staline và Quốc Xã cũng đều giết người để xây-dựng một nhân-loại người hơn. Hình như người ta chợt thấy rằng con người mà hàng ngày người ta từ-chối, nếu nó chưa thật là người, thì cũng đáng sống và được bảo-vệ như một sơ-ảnh, thực-hiện qua đã nhiều thế-kỷ và thương đau, của con người thật mà người ta vẫn chờ, và chờ con người thật ấy thì người ta không thể, không tự mâu-thuẩn, tuyệt-đối từ-chối con người đang có. Con người đang có ít nhất cũng có. Nhân danh một con người chưa có để minh-oan những cuộc tàn sát chỉ là ngụy-luận. Nhưng lấy gì để kết án những cuộc tàn-sát ấy, nếu người ta nghĩ rằng con người đang có không có gì đáng giữ? Những kinh-nghiệm đau-xót nhất của thế-kỷ này, kinh-nghiệm Quốc Xã, kinh-nghiệm Staline, kinh-nghiệm Hiroshima cho người ta thấy rằng khủng-bố không đủ nữa. Thơ Nguyên-Sa bắt đầu trong ý-thức là cần trở lại con người, những người đang sống quanh anh, thiếu và chằng-chịt mâu-thuẫn.
Sự thiếu ấy Nguyên-Sa, như tất cả những ai giờ đã lấy ngôn-ngữ làm sự lập thân, đã sống qua ngôn-ngữ. Khác là anh nhận nó. Những người khác ly-khai. Họ nhẩy ra ngoài cuộc và, từ cái “tôi” của họ, tuyên-bố rằng họ chỉ là những người làm chứng, đóng vai quan-khách, lên án tất cả và gào rằng họ vô-tội. Áy chỉ là một ảo-tưởng. Và thật ra thì trong cuộc sống vô-nhân-đạo này không có ai chỉ là người làm chứng và cái án trắng của họ còn đáng ngờ gấp mấy những gì họ lên án. Có lẽ tại biết thế nên Nguyên-Sa đã nhận cái ngôn-ngữ đang có. Anh không thừa-nhận nó. Anh nhận rằng cùng tất cả mọi người anh trách-nhiệm những sai-lầm của nó và, trong một thế-giới đã vỡ, không ai có thế vô-tội một mình. Hơn thế nữa, nếu những ngôn-ngữ ly-khai và khủng-bố rốt cuộc, như người ta đã thấy, lại minh-oan cho cái ngôn-ngữ đang có thì Nguyên-Sa, nhận cái ngôn-ngữ đang có, lại cho người ta thấy rõ hơn bạo-tính của nó.
Cái bẫy của ngôn-ngữ chụp thế-giới vào một nghĩa nó không có. Nó cho cuộc thống-trị, qua cái nghĩa ấy, của một số người, ảo-tưỏng của tự-nhiên. Nó đổi tôi ra một người khác, làm tôi nói khác những gì tôi nghĩ, xui tôi nghĩ và ưng những gì thực ra áp-chế tôi. Thì sao tôi không bẫy lại ngôn-ngữ. Với một giọng khác đi, với vài chữ thêm vào, Nguyên-Sa đánh tụt cái mặt nạ khách-quan của nó xuống, vẫn những chữ quen thuộc ấy. Chúng mỉm cười và quyến-rũ và mời vào, nhưng thoắt một cái, vừa được nửa câu, thì những gì người ta vẫn tưồng là dĩ-nhiên chợt thòi ra là không có gì thị-thực và toàn do người ta tự-ý lập nên. Một câu của Nguyên-Sa là một câu tự nghi-vấn-hoá. Sau một câu lại thấp-thoáng nghìn câu có thể khác chống lại. Và sự làm người, trong một câu, là một lần bị lên án. À! Thế ra đời không có nghĩa sẵn và nghĩa cỏa nó chỉ là của người đặt ra. Cuộc thống-trị của người chỉ là một thống-trị. Không ai cho nó phép. Con người trong Nguyên-Sa tự tố-giác lầ một nghịch tự-nhiên. Và người ta chợt cảm thấy, nặng vô-cùng, cái gánh của chủ-quan. Thơ Nguyên-Sa không ném vào mặt người ta một cái “tôi” tác-quái. Nó lễ-độ cười như để xin lỗi là đã tầm-thường. Ai cũng có thể nhận thấy mình trong nụ cười ấy. Nhưng trong nụ cười ấy người ta ngạc-nhiên thấy bộ mặt thưc của mình.
Nguyên-Sa cười như để bảo người ta đừng tin anh. Người ta nói thì nói gì cũng muốn nói như thật. Thế-giới tưởng của ma làm. Sự như thế tại nó thế. Không ai trách-nhiệm cả. Lẽ dĩ-nhiên trách-nhiệm của người ta. Nhưng người ta lẩn sau cái vỏ khách-quan của ngôn-ngữ đã choàng lên tất cả một bộ đồ giả tự-nhiên. Lấy ngay thơ đương-thời chẳng hạn. Còn gì chủ-quan hơn thứ thơ ấy? Và lạ đời! Nhưng lạ nhất là trong khi ấy nó vẫn tự xưng là làm chứng cho thời-đại. Mà quả có thế. Chưa mấy khi một thời-đại lại có mặt trong thơ như thời-đại này trong cái ngôn-ngữ khóc ra máu ấy với tất cả những cái xấu, những cái khổ, những cái khốn-nạn của nó. Nhưng tất cả đều trở nên lạ. Tại tất cả đều như ở trên trời rơi xuống. Người làm thơ chỉ đứng nhìn và kêu lên. Ngay cái tôi của họ cũng đã biến thành một đồ có đầy vô tội vạ và gở như một thiên-tai. Nghĩa là chủ-quan của họ cũng như tất cả đều đã được tự-nhiên-hóa. Họ chỉ làm chứng, như họ nói, và sáng- suốt nhìn. Áy là cái sáng-suốt đã bị tê-liệt của một ý-thức đã bị thôi-miên. Họ trố mắt trông. Nhưng đã mù. “Mặt trời đen”. Cái gì cũng thấy, mà đâu có thấy gì! Tất cả đều trơ ra, vô-nghĩa và đáng sợ như những quái-vật không có tên. Tất cả đã được thiêng-liêng-hóa. Nhưng tại người ta đã không dám cho chúng nghĩa để vượt chúng. Hình như người ta nghĩ rằng tốt nhất là đổ tại là thế-giới điên. Người ta bảo người ta cũng điên nữa. Người ta bị quỷ ám, ma làm, và có khi vừa là ma vừa là phù-thủy. Nhưng phù-thủy cũng là ma. Và những luận-điệu ấy chỉ để dối mình và loè người, khi người ta không đủ can-đảm nữa để nhận mình là chủ cuộc đời và chủ mình.
Cái mới của Nguyên-Sa là anh cho biết không có ma-lực nào ở sau những chữ, nhưng tự do của con người đang sảo-tác thiên-nhiên. Thơ anh người ta thường chê là quá tài-tình. Anh chơi chữ và những ảnh-tượng như một người làm ảo-thuật. Khác là anh không dấu rằng ấy chì là những ảo-thuật và, hơn thế nữa, còn cho người ta thấy những trá-tác của nó ra sao. Như một người đánh bạc nhưng để lộ quân bài. Ảo-thuật của anh làm người ta tỉnh mắt. Tôi yêu người thi-sĩ ấy đã dám, khi người ta thi nhau mê-hoặc nhau, để lộ những khoé của nghề, và trong một nụ cười, xui người ta nghi ngờ anh; nhưng anh chỉ nói như tất cả mọi người, thành ra, xui người ta nghi ngờ anh, anh cũng xui người ta trỏ về nghi ngờ mình. Anh đã nhận cái ngôn-ngữ mang tiếng là của tất cả mọi người ấy để lật tẩy nó. Khủng-bố và những mặt trời đen thật đã xa. Và ra đời một thứ thơ mới có thể gọi là thơ phê-bình. Nó phê-bình, tự phê-bình, mời người ta phê-bình nó. Chủ-quan của nó là một chủ-quan mở về người khác và để người khác nhìn vào. Và thơ và những động-tác ngôn-ngữ lại trở nên một cuộc phiêu-lưu mà nghĩa đi qua người khác để những nguy-hiểm của đối-thoại lại bắt đầu.
Ai cũng biết rằng, trong thế-giới này, đối-thoại thường là chỗ vong-thân. Mà còn gì nguy-hiểm hơn là để mình bị đổi mà mình không biết và để những gì mình vẫn tưởng là thật chợt bị hóa ra sai? Nhưng Nguyên-Sa nghĩ rằng anh chỉ thể làm người giữa những người khác, và, nếu ai không biết Chân-lý thế nào thì nhận người khác là một cách cho cái lầm của mình một giới-hạn. Thành ra cái chủ-quan mở của anh rốt cuộc, cũng là một khách-quan tương-đối. Sự tương-đối ấy anh không ngừng nhắc, trong nhịp thơ gẫy và khéo để dở-dang, cho người ta khỏi quên. Nhưng anh nhận nó, Anh nhận sống trong tương đối, để tố-giác nó, nhưng cũng tại, theo anh, nó là lối độc-nhất của một Chân-lý có thể. Một lý-thuyết ngắn cũn cỡn và dễ thường dạy người ta rằng ai cũng có một lý riêng. Ai cũng có quyền chui vào cái mai của mình và muốn nói gì thì nói. Như thế đỡ phải đối-thoại. Người ta sống bên nhau như sỏi và đá chờ khi nào cần thì giết nhau. Mà tôi đâu nói quá! Ấy lầ thực-trạng của cuộc đời thiếu Chân-lý này. Chối nó là mù-quáng và mê hoặc.
Nhưng thế có phải là một cớ để tự-mãn giam mình trong một sự-thật lẻ không? Không có sự-thật lẻ. Thì Chân-lý cũng không ở cuộc toàn-thắng, qua sức mạnh của sự-thật này trên sự-thật khác. Chân-lý vượt những sự-thật lẻ và duy-nhất chúng. Như thế nó chĩ có thể trở thành trong đối-thoại. Và người khác không lả người tôi phải giết. Mà công nhận người khác, như người ta vẫn nói một cách suông thôi, cũng không đủ. Người khác là sự thiếu của tôi. Và đảo lại. Hay nó một cách khác thì người ta chỉ có thể làm người với nhau.
Sao lòng tôi không là vô-tận
cho gặp gỡ những đường tầu đi song song?
Cố-gắng đến chân-lý không là một cố-gắng loại trừ. Nó là một cố-gắng thâu gồm tất cả để đổi lòng mình thành một nơi tất cả lại gặp nhau. Nụ cười của Nguyên-Sa, như người ta thấy, không sí-soá tất cả những sự khác nhau, và để tự an-ủi rằng tất cả, vừa sai vừa đúng, đều như nhau và người ta chĩ có việc yên thân trong cô-độc của mình. Trái lại, nó đánh thức, giữa sự có liên-tục ngoài mặt của ngôn-ngữ, như một vết thương, thảm-tính của tự-do và sự thiếu của con người. Nhưng cũng như một nụ cười nó mang một hy-vọng. Rằng sự thiếu trong ấy người ta sống lạc cũng là sự có thể của Chân-lý và của con người. Ít nhất Nguyên-Sa cũng tin thế, và tin-tưởng ấy, anh đã gặp trong tình-yêu. Nhưng thế không phải lần đầu tiên một thi-sĩ được tình yêu lầm mối với cuộc đời. Có phải câu thơ này của Éluard?
Tu es venne j’etais triste j’ai dit oui
C’est à partir de toi que j’ai dit oui au monde
D.- NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TÌNH-YÊU
I.
Tôi muốn ví mắt em như một vì sao
Cuộc đời trước tình-yêu như thiếu sáng. Và người và tôi, cách nhau một quãng cách tuyệt-đối, không thể tìm thấy nhau. Mà chắc đâu là có người và tôi? Tôi không biết còn có tôi không nữa. Nhưng tình-yêu đến sáng-tác lại những người yêu. Mắt người tôi yêu, trước không là gì cả, chợt trở nên như một vì sao. Cũng như vì sao ấy trước tôi không thấy có, nhưng được nàng môi-giới giữa tôi và nó, đã trở nên là môi-giới giữa chúng tôi. Không có nó thì tôi lấy gì so với mắt nàng nghĩa là để bảo nàng là tôi yêu? Nó là cái soi sáng cho tình-yêu của tôi.
Mà lòng tôi vẫn nhìn,
Không bao giờ chớp mắt
Như em vẫn nhìn
Nụ cười của em
Trong mắt tôi.
Nghĩa là qua nó tôi lại là môi-giới giữa người tôi yêu và chính nàng cũng như, ngược lại, trong nàng, tôi lại thấy tôi. Mất người khác, trong TIỄN-BIỆT, tôi mất tôi. Nhưng tình yêu trả lại tôi người khác và trong người khác trả lại tôi cho tôi. Qua một vì sao cao tít mù. Hình như vì sao ấy là vì sao con người bơ-vơ của TIỄN BIỆT đã nguyện-ước:
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu?
Ẩy là vì sao của Chân-lý soi đường cho những người yêu tìm nhau khỏi lạc. Một vì sao, như thi-sĩ nói, chưa có ỏ trên đời. Tôi lấy nó để so với mắt em. Nhưng nó thế nào tôi đâu biết! Và tình-yêu của tôi lập trên một sự thiếu không cùng. Sự thiếu ấy tuy nhiên không còn là một khoảng không tuyệt-đối ly-gián người ta nữa. Nó có một tính-cách tích-cực. Quanh nó một tình-yêu đã có thể, thiếu, nhưng cũng là một tình-yêu để cho phép một ngôn-ngữ, thiếu, nhưng cũng là một ngôn-ngữ. Và đã bắt đầu một con đường tương-tri. Thành ra tuy chưa có, vì sao ấy, tôi vẫn thấy:
Ngủ muộn hơn sao hôm
Dậy sớm hơn sao mai.
Nghĩa là ngày cũng như đêm đứng giữa trời chì lối cho tình-yêu của tôi. Tôi thấy nó có ngay trong sự thiếu của nó. Sự thiếu nó là mặt trái của sự nó có. Không có nó thì lằm sao tôi biết nó thiếu? Thì làm sao chúng tôi yêu nhau được? Nhưng tại nó chưa có mặt nên tình-yêu mới là một tình-yêu nửa chừng. Kinh-nghiệm của tình-yêu trong ấy tôi gặp người khác như một người và đảo lại, chỉ là kinh nghiệm ngược đời ấy của sự có như một sự thiếu - và, qua sự thiếu ấy, yêu-sách phải có - của một Chân-lý vượt tất cả những cá nhân, như một vì sao, nhưng trong ấy những cá-nhân có thể vượt mình nhận ra nhau và, qua nhau, nhận ra mình để làm người, nghĩa là để vào một thế-giới có người và có ta. Hay nói một cách khác thì tôi yêu là tất cả chúng ta sẽ có. Ấy là trong thơ Nguyên-Sa trực-giác và cá-ước nguyên-ủy. Và câu hỏi trên kia của TIỄN-BIỆT đã được trả lời. Nguyện-ước bâng-quơ của nó đã thành một hy-vọng có thực. Hy-vọng ấy tuy-nhiên, như tình-yêu nó đã tạo ra và đã tạo ra nó, cũng chỉ có như một cuộc tạo hy-vọng. Nếu tôi không muốn có một vì sao để so với mắt em thì làm thế nào vì sao ấy có? Cái Chân-lý nó giới-thiệu như một siêu thể vượt tất cả mọi người, nếu nó có, cũng không có ngoài con người nhưng của con người làm ra. Sức sáng-tác của con người là sự có-thể của nó.
II.
Và của con người sáng-tác có gì đẹp hơn ngôn-ngữ. Có ngôn-ngữ tôi mới có Ihể nói tôi yêu em. Ngôn-ngữ trong thơ Nguyên-Sa tự tố-giác là một ngôn-ngữ nhân-tạo. Và nhân-tạo trong một thế-giới còn ly-gián là chưa thật. Ấy là cái mặt thẩm của nó. Nhưng nó cũng có một mặt sáng là từ-chương. Cái từ-chương mà thơ đương-thời muốn diệt đến cùng để vào thẳng cái đêm nguyên-ủy lại có đầy trong thơ Nguyên-Sa để làm chứng cho sức sáng-tác của con người. Sáng-tác có nghĩa là sảo-tác. Quan-niệm thơ của Nguyên-Sa đặt những mãnh-lực của thiên-tài ra ngoài cuộc. Anh chỉ tin ở cái tài người làm thơ luyện nên. Một bài thơ theo anh là một thực-hiện kỹ-thuật. Và anh chủ-trương một thứ thơ dụng-trí. Những cgữ trong thơ anh như chỉ có bề mặt. Chúng không giới-thiệu một thế-giới bên kia con người, nhưng không ngừng làm người ta lạ trước cách xếp-đặt tài-tình của chúng. Ấy là những kiểu ví-von không ngờ, những ảnh-tượng đơn-sơ mà mới, những lối nói quanh-co như để rỡn với chữ. Mà có cần gì đâu? Nguyên-liệu của thi-sĩ không có mấy, và thường mượn của cuộc đời thường ngày. Sự thường của chúng tuy-nhiên trong thơ anh, là nguồn của tất cả những sự lạ. Mấy mắt len đan, một con chỉ rối, một chiếc thước kẻ bỏ đi anh cũng lấy để diễn-tả được nỗi buồn không giới-hạn của một ngày tình-yêu bị nghi-ngờ. Anh chỉ cần một chữ, một chữ rất quen, nhưng không ai nghĩ ra, chẳng hạn:
Nét mặt dịu như vần bằng
và người ta thấy, trong một nụ cười, tất cả giấc mộng yên-bình của tình-yêu. Nhưng cảm-động trong Nguyên-Sa rất ít. Mà cảm-động ở giọng nói nhiều hơn ở ảnh-tượng. Thường người ta chỉ có thì-giờ ngạc-nhiên trước cái khéo của tác-giả. Và thơ anh có lẽ giờ là thứ thơ độc-nhất trong ấy ngôn-ngữ còn là một hạnh phúc. Ít nhất thì ấy cũng là một ngôn-ngữ còn biết làm duyên, trang-điểm, riêm-rúa, nghĩa là còn biết văn-minh là gì. Nó của một người thợ thơ biết chắp chữ giỏi và nó đưa người ta vào một thế-giới của người làm.
Không phải trong thế-giới ấy tự-nhiên không có mặt. Nhưng ấy là một tự nhiên lành và dễ bảo. Con người thiếu tự-nhiên, nhưng chỉ có một tự-nhiên của người. Nó tưng-bừng theo nhịp bước của những người yêu cũng như trong những lúc chia-ly người ta thấy sương và mưa che mờ nhau. Cái tự-nhiên ấy không nặng hơn một ảo-tưỏng. Nó không bí-mật, không đe-doạ và cũng không mời vào một chiều sâu. Hình như nó chỉ là một cái bóng của người. Và người ta có thể bảo rằng trong Nguyên-Sa con người tạo ra tự-nhiên. Hạt thóc ấy chỉ nẩy mầm tại có người gieo! Ruộng lúa xanh. Con cò trắng. Ai cũng tưỏng sự vốn như thế. Nhưng Nguyên-Sa viết:
Tôi không thề chối ruộng lúa xanh, con cò trắng.
Và người ta chợt nhớ rằng không có sự nào mà người ta không chối được và sự nào cũng chỉ có, nếu có người đảm nhiệm chúng và, trong một tuyên ngôn, làm chúng đứng trong đời. Người ta chợt nhớ rằng trong những sở công-an có những dụng-cụ tinh-vi để làm người ta chối những gì người ta vẫn nghĩ là thiêng-liêng nhất, những tín-ngưỡng sâu xa nhất, những tư-tưồng chân-thành nhất. Người ta chợt nhớ rằng có những kỹ-thuật mới của tuyên-truyền cũng như những cách nhồi sọ khoa-học để giục người ta tin những chuyện khó tin nhất. Kể cả những chuyện sẽ đưa người ta lên máy chém! Trong tiểu-thuyết 1987 G. Orwell có tưởng tượng một chính-thể độc-tài đã dạy được những công-dân tin rằng 2 lần 2 là 5, ai còn dám bảo câu chuyện ấy giờ không có thể? Người ta đã biết thế nào là tẩy-não và tra-tấn. Và lời từ chối nhũn-nhặn của Nguyên-Sa lại càng làm người ta cảm động như cố gắng của một người - khi đời loạn và người ta không biết tin gì nữa, vì tin gì người ta cũng biết rằng chỉ trước cực hình và cái chết người ta mới biết là có tin thật hay không - đang lấy sức mình dựng lại, trước bạo lực vài sự-thật tối-thiểu để bắt đầu một thế-giới người:
Tôi không thể dẫm trên tay những người tôi thương yêu.
Vẫn một giọng thản-nhiên và lễ-độ ấy. Nhưng tình yêu đã có mặt trong đời như một giới-hạn bất-khả xâm-phạm để cản những mãnh-lực vô-nhân-đạo. Thế-giới thiếu Chân-lý và người ta bảo rằng tất cả đều có thể; người ta tưỏng thế là đã giải-phóng con người; nhưng cái muốn tự do muốn làm gì cũng được, ấy chỉ là một cách gây thêm loạn và để cuộc đời cho vật-lực chỉ-huy. Hơn nữa nếu tất cả đều có thể thì tất cả đều như nhau. Sao theo con đường này mà không theo con đường khác? Con đường nào cũng thế thì theo con đường nào? Mà theo một con đường làm gì? Một đằng thì tự-do bị trói, một đằng thì tự-do hóa gở, con người không tìm đâu thấy một chiều đi. Nó đã vượt tất cả mọi giới-hạn để tự giam mình trong cái mênh-mông của vô-đạo. Nhưng vô-đạo chỉ có giá trị như một giai-đoạn phê- bình cần phải vượt qua. Lẽ dĩ-nhiên có người vẫn còn quên mình trong việc đặt lại những vấn đề và gọi nhau phá những giới-hạn không còn nữa. Nhưng Nguyên-Sa biết rằng các tự-do người chỉ bắt đầu trong sự sáng-tác những giá trị nghĩa là khi nó đã thắng sự chóng mặt của nó để tự đặt cho nó giới hạn. Ấy là một tự-do tự từ-chối mình để trở thành. Tất cả đều có thể, nhưng có những điều tôi không thể nhận; tôi chưa biết tôi phải làm gì, nhưng tôi biết, để giữ sự có thể cho một chân-lý tôi chưa biết mặt, những gì tôi không thể làm. Tôi biết tôi không thể từ chối tình yêu, vì chỉ trong tình yêu tôi mới thấy, như một nhu cầu thiết-yếu, cần có một chân-lý vượt cá nhân tôi và tất cả mọi người để con người làm người và những người yêu gặp nhau.
III.
Nhưng chọn tình yêu, Nguyên-Sa biết anh đã chọn ngược đời. Anh thuộc một thời đại đã lên án tình yêu. Những người trẻ tuổi giờ tự hào là sáng-suốt. Họ coi tình yêu là một canh bạc bịp, và cái tình yêu xưa người ta ca tụng, dưới con mắt nghi ngờ của họ, chỉ là một tình cảm ngây ngô dành cho những người con gái đọc tiểu-thuyết quá nhiều. Tốt lắm thì người ta bảo rằng ấy là một thiên đường đáng cho người ta ao ước nhưng thực, không thể có. Cái triết lý bi-quan ấy tuy-nhiên cũng còn lành! Cách đây không lâu tình yêu còn bị coi là một tội. Ấy là thời người ta nêu gương sáng của những kẻ giết anh, tố cha, bắn chồng cho chính-nghĩa. Người ta đã kết tội tình yêu cũng như tất cả những gì là tình-cảm như một xa-xỉ-phẩm tiểu tư-sản. Và trong nó, người ta chỉ thấy ích kỷ, ủy mị, duy tâm, phản tập-thể. Ai giữa chúng ta, nếu chữ chúng ta còn có một nghĩa, đã không bị sự nghi ngờ đó làm tối mắt? Chúng ta đã nghi ngờ tất cả những gì có thể làm, chúng ta thuận với mình để tin rằng chỉ có đố kỵ và oán-thù là thực. Mới độ nào Camus viết: “Không được yêu chì là một sự không may. Nhưng không yêu mới là cái họa lớn. Và tất cả chúng ta giờ đang chết vì cái họa ấy”! Nhưng Nguyên-Sa không chịu chết, anh từ chối sống trong ly-gián.
Anh tố giác thế giới của ly-gián như một của giả. Giả nghĩa là nhân tạo, nhưng nhân tạo, khi người lại thuận người, là một cách, qua môi giới của kẻ khác, làm quen với tự nhiên. Cái giả của ly gián đưa người ta vào thế giới của những đồ vật chết. Của những nan mắt cáo, của súng, của lưỡi lê và của dây thép gai. Ấy là những đồ của người làm. Nhưng tất cả xảy ra trong Nguyên-Sa như chúng đã ăn mất ngững người đã tạo ra chúng. Còn lại một thế giới vô-danh, trừu-tượng. Lạnh như tiếng sắt chạm vào nhau. Một thế-giới của những đồ kim khí và đứt quãng - như một giãy chấn song sắt - nghĩa là đã bị cái chết làm cứng lại và ăn từng mảng lớn. Vằ trong thế giới ấy, người ta thấy đi lạc những người có đôi môi khô
Vỉ sống ở một trần gian nước mặn.
Họ không biết yêu là gì nữa. Cuộc đời đã dậy họ tự thắt mình lại trong cô-độc để chống lại cuộc đời. Nhưng cô-độc không cho họ thấy họ. Họ trở nên sai-lệch như chiếc thước kẻ để ngoài nắng mãi đã cong đi, và cằn cỗi. Những đôi môi khô ấy sắp nẻ. Và những bước chân không đều dẫn họ vào một cơn mê nửa chừng để sống - ngái ngủ và se mình - như những kẻ mất hồn trong một mắt nhìn le lói. Một căn bệnh không tên làm tội họ. Nhưng hơi thở trùng và nụ cười vướng trên gò má làm chứng cho một sự suy-lạc của thế giới bên trong. Như tất cả những tế-bào của thực thể, theo họ, cũng se lại, kéo đi và rã rời. Thành ra sự đứt quãng trong tương-quan của ngoại-giới cũng bắt đầu một sự đứt quãng giữa nội- tâm. Và trở lại mình để tìm mình, người ta chỉ thấy mình sụp đổ dần cho đến khi, trên một bờ sông, còn trơ lại độc hai bàn tay làm tích.
Tình yêu trái lại có sức gây liên tục. Nó bắt đầu trong nước mắt. Ấy là nước mắt lại ra đời của người từ biệt cô-độc của mình để gặp mình trong người khác. Một giọt nước mắt nhỏ thôi, nhưng, giữa ly-gián và gian khổ thế có nghĩa là hạn hán trong thực-thể sắp hết và cuộc sống đang trở về.
Từng giọt nước mắt vỡ
Như hạt thóc nẩy mầm
Và như cái mầm non đang trồi lên ấy, thế giới và xác thịt của từng người từ khô, lạnh và cứng, trở thành nơi tương-kết của một nguyên-lực và một cái gì rất dịu và rất ngọt ngào, vai người con gái lại mềm như đòn gánh và cánh tay nàng lại “dẻo như đôi quai”.
Dẻo và mềm mại, tại tất cả, ở bên trong, đã chắc lại. Tất cả lại nguyên lành, tất cả lại được nối liền nhau, và sức sống chẩy đều dẫn cuộc đời nở lên những mặt phẳng mịn và đương tơ của những nội cỏ, những bàn tay lá biếc, những mái tóc trẻ thơ, những nét mặt dịu như vần bằng. Hạnh-phúc mặt phẳng của một cuộc đời đã hết đứt quãng để sống lại! Hạnh-phúc uyển-chuyển nữa của trao đổi, của tương-tri, của sự đi và lại giữa mọi sự và mọi người. Những bàn tay nắm lấy nhau, và bắt đầu những con sông và những con đường. Tình yêu ở thể động là một dòng. Nó chảy. Hình như nguyên tính của nó là lưu thủy và nó có thực chất là nước. Nước là chất gây liên tục. Làm cho có sự liền nhau trong chiều dài, trên mặt phẳng cũng như ở bên trong. Cho nên không ai lạ, nếu Nguyên-Sa tưỏng đến mùa của tình yêu, trong một nhân loại thống nhất, như “một mùa nước rông":
Hội lòng người như nước nguồn xối-xả.
Tất cả những con sông đã về lòng biển cả cũng như tất cả những con đường đã gặp nhau ở nơi của chân-lý nghĩa là ở vô tận. Cuộc đời chuyển theo vòng tròn như, trong TIỄN BIỆT, thi sĩ đã ước ao:
Sao nước không nguồn cho sông đi quanh?
Giấc mộng ấy đã thành. Lịch sử đã hết. Và mùa xuân sẽ ở mãi không đi. Hay nói đúng hơn là nó đi và lại theo nhịp một chiếc võng đong đưa. Như nhịp của hơi thở, của thủy triều, một thời gian không ngừng tự nhắc lại. Còn chân lý? Nó đã xuất hiện và tan trong cuộc đời để trả lại tự nhiên cho con người và con người cho tự nhiên:
Để lòng chúng mình
Và mạch máu Đồng-Nai
Đập cùng một nhịp
Không biết thế có phải là một tương lai đáng ước. Nhưng câu hỏi thật là vô ý-thức. Làm thế nào những con người thiếu giờ có thể biết và xét được con người hòa giải của ngày mai? Ngay cả chữ người cũng sẽ đổi nghĩa và mộng của Nguyên-Sa chỉ là mộng. Cái phần mộng và tiên tri ấy có lẽ không phải phần đẹp nhất của thơ anh. Nhưng nó cũng cùng một gốc với cái kinh-nghiệm nguyên-ủy đã cho phép anh thoát khỏi sự tuyệt-vọng đang cám dỗ người đương thời. Anh đã thấy trong tình yêu sự có thể làm người của tất cả và, ngược lại, cái viễn đồ ấy là sự có thể của tình yêu. Anh không khám phá ra tình yêu và người khác. Cái mới của anh là đã biết rằng tương quan với người khác chỉ có thể có qua môi-giới của một cái gì vượt tất cả mọi người. Và tình yêu cũng thế, tự nó, không thể sống. Cho nên trong Nguyên-Sa nó không còn là nơi giam hại cá nhân nữa. Mà nó đẩy những người yêu vào một thế giới còn ly-gián để vượt ly-gián ấy trong hy-vọng ở chân-lý của một nhân loại giải hòa. Và chính sự vượt ấy theo một chiều lên, làm nó sống và đặt giữa những người yêu một quãng cách cũng là một môi giới.
IV.
Trong từ chương mới thì trái lại người ta chỉ nói đến tình yêu như một sự không có thể. Không phải không có những người yêu. Người ta yêu nhau hơn bao giờ hết. Nhưng chưa bao giờ tình yêu ác như thế. Người ta yêu nhau để, kết luận, đành công nhận rằng không thể yêu nhau. Sự thất bại của tình yêu tuy nhiên không do ngoại trở. Nó nằm trong định mệnh của tất cả những tương quan người. Ai cũng biết rằng sự không thể tương tri giữa người và người là một đề tài đã cổ. Song người ta có thể tự hào rằng sang xứ này, dưới những ngòi bút mới, nó đã như được sống lại và càng trở nên thảm. Và tình yêu chỉ là kinh nghiệm thảm nhất của sự không thể ấy. Thế dễ hiểu. Giữa những người dưng thì ly-gián chỉ là một sự khó ở. Không ai hiểu ai. Nhưng chẳng sao. Người ta nhắm mắt độc tấu, để hiểu lầm và bị hiểu lầm, và rốt cuộc, thế cũng qua ngày! Không ai cảm thấy thực cần ai cả. Nhưng trong tình yêu thì ly-gián là một địa-ngục. Những người yêu, theo định-nghĩa, không thể nhận được ly-gián. Họ không thể yêu nhau mà cũng thể bỏ nhau. Và sau cùng họ bị nhốt trong tình yêu. Họ là những người đã từ chối một xã hội trong ấy họ không nhận ra mình nữa để tìm lại mình trong mắt nhau. Nhưng họ không thể thấy nhau. Họ muốn thấy nhau, cũng như họ muốn thấy cái thực-như-thế, ngoài tất cả mọi môi-giới. Không có gì giữa họ nữa. Nhưng quãng cách không có ấy cũng là một quãng cách không thể vượt qua. Họ hôn nhau, cắn nhau, vuốt ve nhau và cố ghì nhau thật chặt để, sau một phút mê-cuồng, lại thấy xa nhau như sỏi và đá, và cứ thế mãi cho đến khi, dày vò nhau chán, họ chỉ còn cách giết nhau để thoát khỏi cô-độc. Không-gian của tình yêu tuyệt-đối ấy cũng như của tất cả những tương quan người trong một thế giới thiếu chân-lý, là một không-gian và đạo nghĩa là đã mất lối, và tất cả những cử-chỉ để tìm nhau càng tha-thiết lại càng gây thêm loạn. Tất cả đã xẩy ra trong một thế-giới không có chiều. Hay đúng hơn thì nó một chiều duy nhất. Ấy là chiều của trọng-lực. Và trọng-lực giam người ta như những tĩnh vật và gọi người ta xuống cái chết - cái chết lớn cũng như cái chết nhỏ của những cuộc mây mưa - để tất cả đều hòa làm một. Tình yêu trở nên một sa-đọa. Cuồng dâm và án-mạng là hai mặt của nó. Nó là cái xã-hội gọi là tội ác. Và người ta hiểu sự có mặt của người gái chơi trong thế-giới ấy của tình-yêu. Xưa người kỹ-nữ của Xuân-Diệu chẳng hạn, tuy ở ngoài xã-hội, nhưng vẫn công-nhận xã-hội, qua những khách chơi công-tử như một tổ-quốc thật và chỉ mong được quy-nạp lại để thoát khỏi phận ly khai của mình. Giờ thì ngược lại. Người gái chơi bị xã-hội từ-chối cũng đã từ chối xã-hội. Và như nàng, người khách chơi cũng chỉ là một kẻ đã ly-khai. Hắn thấy ở nàng một người đồng cảnh và đảo lại. Sự đồng-cảnh ấy làm họ yêu nhau. Họ tưỏng tình yêu tự nó là một giải thoát. Nhưng như người ta thấy, tình yêu, khi không có gì vượt nó để cho nó một ngày mai, chỉ có thể kéo dài trong sa-đọa. Hay đúng hơn thì người ta đã chọn sa-đọa trong tình yêu tại người ta không biết có một chiều đi nào khác. Và người gái chơi, như con người sa-đọa đã bị xã-hội nhốt ra ngoài, chỉ là môi giới đẹp nhất giữa tôi và cái siêu-trầm-thể (transdescendance) đang gọi một thế-giới không có chân-trời.
V.
Nhưng thật ra người ta chỉ có những chân trời người ta muốn. Và như Giraudoux nói, “peut-être, si vous vous aimiez, l’amour appelleraitil à son secours l'un de ses égaux la générosité, l’intelligence” Những người yêu của Nguyên-Sa không phải không nghe thấy tiếng gọi của những chiều không có đáy, không phải những chiều cô-độc lớn, trước sự đe dọa của ly-gián, người ta không muốn chìm vào nhau ngay trong mắt nhau và thao thức gọi nhau lại gần nhau.
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng.
Nhưng cũng may là người ta thoát được cám dỗ ấy. Và câu thơ của Nguyên-Sa chì để tự-trào. Anh biết rằng con đường gần nhất ấy chỉ là một ảo-tưởng. Nghĩa là tình yêu chỉ có giữa hai người như mộr quãng cách giữa hai người. Xóa quãng cách ấy để như người ta nói, cả hai làm một, cũng là xoá tình yêu nốt. Quan-trọng là đổi quãng cách ấy thành một con đường môi giới. Cho nên những người yêu của Nguyên-Sa có nhìn vào mắt nhau chăng nữa thì cũng “để mở một chân trời rất rộng”. Ắy là chân trời xa “vô tận cho gặp gỡ những đường tầu đi song song”, nơi sẽ xuất hiện của vì sao giờ chưa có, chỗ tình yêu thực hiện và nhân-loại giải-hòa. Nhưng nhân-loại chưa giải-hòa, tình yêu chưa thực-hiện. Giữa những người yêu còn đứng một chân trời chưa tới, một ngày mai chưa thành, một chân-lý chưa có tên. Vằ tên người tôi yêu tôi chưa thể gọi và mắt người tôi yêu, tôi chỉ biết như một ảo ảnh. Những người yêu vẫn không hết tìm nhau:
Bước chân lại gần
Bước chân gần lại
Ấy là những bước chân đi mãi. Khác là chúng không lạc nữa. Hình như đã có một chỗ hẹn đang chờ chúng. Và tình yêu có lẽ chỉ là một sự lại nhau không cùng. Nó chưa tròn, nên chúng mình vẫn còn yêu nhau mãi; tại chúng mình chưa bao giờ thực biết mặt nhau, nếu “em vẫn là em" và như thi-sĩ nói:
... Áo không có màu nên áo vẫn chưa phai
Chữ “vẫn” đi liền với chữ “chưa”. Và thơ Nguyên-Sa chạy quanh một sự vắng mặt để làm chứng cho một sự trường-tồn. Ấy là sự trường-tồn, dựng trên một sự vắng mặt, của hy-vọng. Hy-vọng được khám phá trong tình yêu cho phép những người yêu đương đầu với ly-gián đang đe-dọa trong họ và ở ngoài đời, từ chối nó và vượt nó, nghĩa là thoát khỏi những cám dỗ của không-gian vô-đạo để mở một chiều và một thời-gian người.
Nhưng thời-gian của chữ “vẫn” là một thời-gian không ngừng bắt đầu lại. Và người ta đi vào một thế-giới lúc nào cũng dở dang, giữa sống và chết, của những nụ cười gượng-gạo những mắt nhìn vẫn đục, những giọng nói nghẹn-ngào. Nhưng thế-giới nửa chừng ấy cũng là thế-giới mới nguyên của những mầm mới mọc, những cánh đồng lúa non, những bàn tay vô-tội. Sự thiếu của nó, được đảm-nhiệm, đã trở nên một có thể không cùng. Cuộc đời được khám-phá lại, mới không ngờ, làm người ta không dám gọi tên. Vừa mừng, Nguyên-Sa vừa e ngại:
Lòng vẫn sợ nhầm
Dù chỉ từ một đến hai?...
Tay không dám đọc dù một tờ giấy mới.
Một tờ giấy mới là để viết. Nhưng đâu nó có bảo tôi phải viết gì? Mà viết gì thì nó cũng hết mới. Cuộc đời, cũng như tờ giấy mới ấy, vẫn chờ tôi đổi ra lời, nghĩa là, qua ngôn-ngữ, cho nó một nghĩa. Nhưng nghĩa nào, nếu có một Chân-lý mà tôi không biết mặt, không làm tôi xa Chân-lý, cuộc đời có vết và hy-vọng tổn thương. Nếu chân-lý có thì một bước đi sai cũng như một lời nói lạm, đều có thể làm tôi mất lối suốt đời. Và người ta hiểu vì sao Nguyên-Sa e-ngại. Hy-vọng của anh không là một tiếng cười đắc thắng. Nó là sự bắt đầu của ưu-tư, và người ta có thể nghĩ rằng, để giữ nó nguyên lành, thì tốt nhất đừng nói. Hóa ra nó chì làm mới cuộc đời để trói con người chặt hơn sao? Mầ chẳng lẽ Nguyên-Sa chỉ thoát khỏi ngần ấy không có thể để lại trở về sự cám dỗ của yên-lặng? Nhưng yên-lặng là trả thế-giới cho bạo-lực và thế, cũng giết hy-vọng nốt. Hy-vọng chỉ có như một hy-vọng người ta làm có trong đời. Mà làm thế nào để có một cái gì dựng trên một sự vắng mặt? Làm thế nào để giữ cho hy-vọng trường tồn khi tôi không biết cái tôi hy-vọng thế nào? Nhưng cũng may, như người ta thấy, là tôi biết phải từ-chối những gì không có tôi hy-vọng. Và thế là hy-vọng, qua những từ chối ấy, lại có mặt trong ngôn-ngữ, như cái nghĩa ẩn và bất-khả-xâm-phạm của tất cả, nghĩa là, như một quãng cách giữa tất cả và nghĩa của chúng. Nó cho tất cả một chân trời. Nhưng ấy là một chân trời tôi không thể tới. Một chân trời để tôi đi quanh! Nó ở ngay giữa cuộc đời và cho cuộc đời một trung-tâm. Nhưng trung-tâm ấy là một trung-tâm mất hút. Tôi có đi thì mới có nó. Và có nó thì tôi mới có thể đi. Cuộc đi của tôi chỉ là cuộc đi tìm nó. Nhưng tôi càng lại gần thì nó càng lùi xa. Tất cả xảy ra như trong một cuộc chơi bắt bóng. Và những chữ không ngừng với lệch ra ngoài những sự bị diễn, Nguời ta không thấy nghĩa của chúng, nhưng quãng cách giữa chúng và cái nghĩa ấy.
Cũng như Nguyên-Sa thường đặt giữa anh và mắt người anh yêu quãng cách của những vì sao, của một màn sương đục, của một bước đi ngại ngùng, ngôn-ngữ của thơ anh là một ngôn-ngữ nói không nhiều hơn nói có, để hỏi hơn là để trả lời, để tự trào hơn để người ta tin như giữa chữ và những sự bí diễu bao giờ cũng có một sự so le. Khác hẳn cái ngôn-ngữ trụi và đứt quãng của thơ đương thời đang cố gò chữ và những bị diễu làm một nghĩa là tự-diệt như một ngữ để thể hiện cái đêm dày của cái thực như thế! Hình như Nguyên-Sa nghĩ rằng sự thực, như thế nào người ta không thể biết mà cũng không cần biết. Quan-trọng là biết nghĩa của chúng để người ta có thể gặp nhau và nghĩa chỉ là một quãng cách giữa chúng và những chữ. Nhưng không phải quãng cách nào cũng là của một nghĩa. Và sự khác nhau giữa thơ anh và ngôn ngữ thường ngày chỉ có thế. Vẫn những chữ ấy nhưng ở chỗ người ta chờ có một nghĩa, thì chỉ thấy một khoảng không; vẫn những chữ ấy, xếp theo một thứ tự và một chiều đi ấy, nhưng chúng không đi tới nữa. Chẳng hạn trong câu thơ:
Hơi thở chùng như sợi chỉ không căng
Thì chữ như ấy không chỉ để tô điểm. Nó của một cái biết nửa chừng. Sự người ta đưa cho tôi biết chưa được biết thì đã bị người ta đánh tráo để chỉ cho tôi một sự khác. Cứ thế mãi. Và tôi chạy theo lối người ta chỉ để, ngoảnh lại, thấy mình vẫn ở nguyên chỗ cũ. Ngôn ngữ chạy quanh. Những chữ nhô ra, rồi lẫn vào nhau, nhưng không dẫn đến một nghĩa nào mới. Hình như chúng đã bị “thó” mất giữa đường. Chữ như cũng như chữ hay là trong Nguyên-Sa có cái tác dụng “thó” ấy. Và nhạc rất đều và lẹ chỉ lầm cho những chữ biến càng mau. Nó không có một mục-đích diễn tả và đổi ngôn-ngữ ra một trò ảo-hóa. Những ảnh-tượng đẹp nhất của thơ Nguyên-Sa là những ảo-ảnh. Người ta chạy theo chúng, tưồng chúng có gì cho người ta xem. Nhưng đến nơi thì hóa ra chẳng có gì. Mắt người tôi yêu như một vì sao, nhưng vì sao ấy chưa ra đời; tôi sinh ra để gọi tên em, nhưng tên em chỉ có thể gọi bằng một chữ không có trong hai mươi nhăm chữ cái, chúng mình nhìn vào mắt nhau, nhưng trong mắt nhau chỉ thấy một chân trời để trống. Tất cả đều đưa vào một sự thiếu không cùng.
Tất cả những tại sao
Vẫn có một vì sao lòng mình không đến được.
VI.
Nhưng quan trọng không là đến nó. Quan trọng là nó có để cho người ta có thể đi, thế giới có một chiều người, những người yêu có một chỗ hẹn và những chữ lại có thể cầm tay nhau dẫn lối. Những chữ trong thơ Nguyên-Sa cầm tay nhau thành nhạc để bắt đầu một chuyến đi không ngừng. Ấy là nhạc của Orphée trên đường dẫn người yêu về dương thế. Orphée không cướp được người yêu khỏi cái chết, nhưng chưa ra khỏi địa ngục thì chưa được phép nhìn nàng. Mà bao giờ người ta mới thoát ra khỏi địa-ngục? Bao giờ tôi mới có thể nhìn mặt người tôi yêu mà không biến nàng thành một ảo tưởng? Hơn ai hết Nguyên-Sa đã tả đúng thơ anh khi anh nói trong một giờ chán nản: “(tôi) hỏi rừng để rừng bảo hỏi cây. Cây khuyên hỏ lá. Lá bảo hỏi chim muông”. Nhưng thế là anh đã nói luôn cả cái phận làm người. Con người đuổi theo chân-lý mà không được thấy. Nhưng chân-lý chỉ có như chân-lý để con người đuổi theo. Quãng cách giữa con người và chân-lý là sự có thể không cùng của chân-lý, của con người, và của tình yêu. Chữ phận làm đã mất cái nghĩa nặng nề của định-mệnh. Và thơ Nguyên-Sa khai-mạc một mùa kiên-nhẫn tưng-bừng:
Cho tôi tìm một chữ mới
Không có trong hai mươi nhăm chữ cái
Đề bắt đầu tên em.
E.- Sự sa-đọa của một tư tưởng.
Nhưng ngôn-ngữ mới chưa thành. Và dương-thế còn xa! A! nếu Orphée không nhìn vội Eurydice, nếu Nguyên-Sa giữ kiên-nhẫn đến cùng, nếu! Nhưng, như thi-sĩ nói:
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu
Và một kinh-nghiệm đã xuống màn. Kể số tác phẩm chẳng có mấy. Mà ai biết chúng sẽ có nghĩa gì cho thời sau? Yêu chúng cũng có người mà người ghét chúng cũng nhiều. Ít nhất thì Nguyên-Sa cũng có mặt. Và những thường tố, sự tương-kết giữa chúng cũng như giữa đề-tài và kỹ-thuật làm chứng trong thơ anh cho một kinh-nghiệm thành thực, và được nghĩ kỹ, về những điều-kiện đang còn của ngôn-ngữ và, qua ngôn-ngữ, về thực cảnh của con người đương thời. Lẽ dĩ nhiên những giải-pháp của anh chỉ có giá-trị cho anh. Nhưng làm sao người ta có thể không yêu cái đẹp và tinh-thần nhân bản của chúng? Làm sao người ta có thể quên, khi con người đang tự hỏi có một con người không, sự tin-tưởng mới ở con người nó mang lại? Không ngừng đổi không làm có và đổi có làm không, lấy sự thiếu của con người để trả lại ngây thơ cho thế-giới và lấy ngây thơ của thế-giới để trả lại những có thể cho con người, vừa tố-giác vừa xây-dựng tự-do, ngôn-ngữ “trêu ngươi” của Nguyên-Sa, đi nhưng chỉ đi quanh và đi quanh để có thể đi, một đằng tháo được những cái bẫy của giả-tự-nhiên, một đằng vượt khỏi những cám dỗ của vô-nhân-đạo, là ngôn-ngữ đáng kể nhất của thơ đương thời đã biết mượn một ngạc-nhiên để cá ước cho Chân-lý.
Thoạt tiên tôi cũng nghi ngờ cái ngôn-ngữ ấy. Thời-đại lầm người ta nghi ngờ tất cả những gì giống như hạnh-phúc. Hạnh-phúc của ngôn-ngữ Nguyên-Sa tuy nhiên chỉ là một hạnh-phúc biết tự chờ mình. Nó có nghĩa là kiên nhẫn. Là từ chối trực-nhiên (immédiateté) và chỉ có như một sự vượt mình mãi. Người ta đã thấy Nguyên-Sa bắt đầu trong cô-độc để vượt cô-độc đến tự-do. Nhưng cái tự-do thảm ấy cũng vượt cái thảm của nó để tự cho một giới hạn trong tình-yêu. Và tình-yêu lại dẫn Nguyên-Sa vào giữa những người khác để tự vượt trong hy-vọng ở một nhân loại giải-hòa. Chính hy-vọng ấy đã cho phép anh thắng bi kịch và trọng lực để trả lại động tính cho ngôn ngữ và từ một nhịp gẫy, làm những câu thơ xa-hoa và lộng nhạc nhất một thời.
Hy-vọng tuy nhiên không phải là tiên-tri. Và cái lầm của Nguyên-Sa là đã vội nói trước cái anh gọi là mùa xuân của ngày mai. Không phải nó không đẹp. Mà cũng không phải nó không thể có. Hơn nữa người ta có thể nghĩ rằng, đã tin là nó sẽ có, thì người ta có quyền nói nó ra. Oái oăm là nói nó ra thì nó lại không tin được nữa. Mùa xuân sẽ về. Nghĩa là mùa xuân vẫn có. Ở một đầu nào của lịch sử vẫn có một mùa xuân vẫn chờ nhân-loại từ muôn đời. Tương-lai của nhân-loại đã làm sẵn. Nhưng nó có ngoài con người. Và chỉ Nguyên-Sa có đặc quyền thấy nó trước! Hay nói đúng hơn thì anh đã tự cho quyền nhắm mắt trước thực tại để có thể chiêm-ngưỡng một tương-lai như ý muốn. Tương-lai ấy có thực chăng nữa thì, với cái quyền chiêm-ngưỡng nó, anh cũng chỉ sướng và có lý một mình. Huống chi nó chỉ là một giấc mơ! Thì không những anh đã tự ý bỏ những người chung quanh anh đang sờ soạng sống một kiếp sống nhá nhem mà anh còn làm tiêu hy-vọng anh nữa. Hy-vọng xưa là một có thể ở ngay giữa lòng thực tại. Nó được người ta làm nên khi, trong nghìn từ chối, trong một lối của tình yêu, trong một cách đặt câu cho thành thơ, người ta xếp lại thực tại để nó có. Không một lời nào nói nó ra. Tất cả những chữ tuy nhiên được xếp quanh nó. Và nó có như một kiến trúc, không bao giờ dựng xong, nhưng được dựng lại không ngừng. Tiên-tri đổi nó thành một sự sẵn có cho độc một người biết. Cái biết ấy khác gì của một ông thầy bói? Nhưng nhân loại không tin ở thầy bói nữa. Nó chỉ tin ỏ những gì con người tự làm ra. Và những sự thật để diễn tả càng ngày càng đáng ngờ. Ấy là một yêu sách mới nhưng căn bản của nghệ-thuật và Nguyên-Sa đã quên.
Quên đến nỗi anh rơi xuống chỗ anh làm thơ để dạy đời. Anh dạy người ta yêu nhau. Lẽ dĩ nhiên trong tình yêu anh đã thấy sự thật của mình và người ta hiểu anh muốn mọi người cùng sống kinh-nghiệm ấy. Nhưng anh quên rằng kinh-nghiệm ấy chỉ có giá trị như một kinh nghiệm riêng và độc nhất. Và đến lượt mình, ai cũng phải tự mở cho mình một con đường sống. Lẽ dĩ nhiên chọn một con đường cho tôi cũng là chọn một con đường cho tất cả những người khác. Nhưng sự ngược đời là tôi chỉ có quyền chọn cho người khác bằng cách đi tới cùng, trong cô-độc, cái kinh-nghiệm của riêng tôi. Mang cái kinh-nghiệm đó ra làm mẫu cho người ta theo là bắt đầu của mê-hoặc. Cái đẹp của tình yêu trong Nguyên-Sa xưa ờ chỗ nó chỉ là sự bắt đầu của tình yêu. Giữa nó và nó còn cả một thế giới chưa của người. Và những người yêu dấn mình trong một cuộc phiêu lưu đầy gian-nguy. Họ thấy họ tùy thuộc tất cả mọi người và một tình yêu thực không thể có trong một nhân loại còn ly-gián. Sự thống nhất của nhân loại là điều kiện thứ nhất để tình yêu thực hiện. Yêu nhau và giữ cho tình yêu đứng chỉ là mở mắt sống đến cùng yêu-sách thống nhất ấy. Nhưng Nguyên-Sa đã nghĩ khác. Hình như giờ anh nghĩ rằng nhân loại không thống nhất là tại người ta không yêu nhau. Và anh tự cho mình cái nhiệm vụ đi truyền bá tình yêu. Làm như tình yêu sẽ tự nó giải quyết mọi vấn đề và dẫn người ta vào một thiên đường có sẵn. Nhưng thế còn có thể lừa ai? Mà ai ngờ đâu ngần ấy sáng suốt đã qua lại có thể dẫn đến sự mù quáng ấy. Từ tiên-tri đến giảng-đạo ái-tình, thơ Nguyên-Sa đã hết là cái ngôn-ngữ đáng yêu trong ấy một sự thật tự xây dựng, tự thí-nghiệm và tự chờ mình; nó chỉ còn, như ngôn-ngữ thường ngày, là nơi của tất cả những mê hoặc, và dù anh có tài gấp mấy, anh cũng không thể cứu vãn tình yêu trong thơ anh khỏi là một ảo-thuyết ngây-ngô và trơ trẽn. Hình như Nguyên-Sa cũng biết và đã có lần tự hỏi:
Không biết cuộc đời có đưa đến tin yêu.
Nhưng cuộc đời chỉ đưa đến chỗ người ta dẫn nó đến. Câu hỏi của Nguyên-Sa có nghĩa là anh không còn kiên nhẫn nữa để làm hy-vọng mình sống. Hy vọng chết thì tình yêu đưa về đầu? Hình như Nguyên-Sa đã gọi người ta yêu nhau tại anh đã bắt đầu nghĩ rằng cái tình yêu chĩ một mình anh tin ấy chỉ là một kinh-nghiệm sai lầm. Anh muốn mọi người cũng yêu như anh để có thể yên-tâm. Anh đã thấy trong tình yêu sự cần những người khác ấy làm anh mất tin dần ở tình yêu. Và người ta không lạ thấy người thi sĩ của tình yêu ấy lại trở mặt gạt tình yêu ra ngoài cuộc đời và sau cùng chán chường nhìn nó như một ảo-tưởng ngẫu-nhiên thành để rồi thời gian lôi xuống cái chết. Cái chết trở nên nghĩa cuối cùng của tất cả. Hình như Nguyên-Sa tưởng rằng nghĩ thế là rất siêu-hình và sáng-suốt. Nhưng nói rằng tình yêu dù thế nào rồi cũng sẽ chết cũng như nói rằng tình yêu sẽ giải quyết tất cả cũng chỉ là hai ảo thuyết khác nhau. Mà nói sao cho đúng? Người ta chỉ dám mong là đừng quá sai lầm. Cái khó của ngôn ngữ thời đại này, khi thiên-nhiên và tự-do chưa thuận, là nói sao để vừa giữ nguyên cái mới của cuộc đời vừa trả lại con người tất cả những có thể. Không thỏa mãn được cả hai điều kiện ấy, thì ngôn-ngữ nào cũng chỉ là một cách mê hoặc. Và chắc Nguyên-Sa cũng biết rằng, những người của thế hệ này đã không nghi ngờ tất cả, ngay đến cả sự nghi ngờ của mình, để trở lại những lý thuyết mầu mè ấy. Người ta chỉ tiếc và ngạc nhiên trước sự sa đọa của một tư tưỏng. Nhưng thật ra thì sự sa đọa ấy đã bắt đầu sớm hơn người ta nghĩ.
Nhưng dòng máu không thể chạy ngoài huyết quản
Dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
Hơn một người yêu yêu một người yêu
Áy là những lời Nguyên-Sa từ biệt Paris để về nước, về nước hóa ra một bổn phận và bổn-phận, một yêu sách không thể cưỡng lại của tự nhiên. Con người không thể sống ngoài tập thể của nó cũng như máu không thể chạy ngoài huyết quản. Qua tập thể con người thuận lại tự nhiên. Ấy là những gì Nguyên-Sa vẫn nghĩ. Khác là xưa trong thơ anh tự nhiên là một tự nhiên đang chờ được thực hiện trong sự thực hiện của tập thể. Giờ thì ngược lại. Và tập thể và tự nhiên như đã thành và chỉ đợi con người vâng lời. Nhưng tự bao giờ con người đã có một bổn phận vạch trước như máu có huyết quản để trôi theo? Thì ra từ biệt Paris Nguyên-Sa cũng đã từ biệt một tự do anh không dám đảm nhiệm nữa để xếp mình trong những nếp đời sẵn có. Anh thực đã trở về tự nhiên như anh muốn cho người ta tưỏng. Nhưng tự nhiên ấy, khi tập-thể chỉ có trong mộng, là một tự nhiên không của người. Và người ta hiểu tại sao, sau cái ảo tưỏng ngắn của ngày về trong “Bài Hát Cửu Long” anh chỉ còn biết tự an ủi trong tiên tri và kêu gọi những thiện-chí để, kết luận, khoanh tay công nhận sự suy tàn của tất cả theo một thời gian không có chủ. Con người đã thua vật lực. Và nỗi buồn của Josée chỉ đáp lại tiếng thở dài của bài thơ từ biệt Paris:
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu.
Nguyên-Sa thật không còn là Nguyên-Sa nữa. Cuộc đời đã thắng người trẻ tuổi ấy cũng như nhiều người trẻ tuổi khác. “Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân” Nói thế Nguyên-Sa biết anh đã không nói cho một mình anh, và bài này, tôi biết, cũng chỉ để tặng hương hồn một tuổi trẻ. Lẽ dĩ nhiên ai cũng có quyền thất bại. Và để tự an ủi, người ta có thể nghĩ như người xưa rằng chưa thất bại thì chưa biết thế nào là đại chí. Sự thất bại của Nguyên-Sa cũng như những giải-thuyết của anh xưa dù sao cũng đã cho người ta suy nghĩ một lần nữa trên những có thể và không có thể của ngôn-ngữ đương thời. Tiếc là đôi khi anh đã cố dấu sự thất-bại ấy sau một ngôn ngữ xa-hoa và những trá thuyết mà có lẽ chính anh cũng không tin nữa. Nhưng cũng có những giờ thành thực anh thú nhận là đã lạc vào xứ mê như một gã thủy thủ già lái tầu theo kim chỉ nam mà chỉ thấy toàn rượu ngọt và tự nghi ngờ:
Nhưng đã bao nhiêu lần đêm khuya
Anh không biết đã làm thơ
Hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Ai giữa thế giới giáo điều và cuồng tín này đã có can-đảm tự nghi ngờ ấy? Quanh tôi người ta thi nhau kết tội nhau. Và nay thì đặt bổn phận này cho thanh niên và mai thì giao trách-nhiệm kia cho trí-thức, chững chạc và như không biết ngượng là gì. Tất cả trong miệng họ đều dĩ nhiên. Nhưng thế đâu có gì lạ? Những gì họ nói có phải của họ nghĩ ra đâu mà bảo họ sợ sai lầm. Lầm là ưu-tư và đặc quyền của những tư tưởng tự lập. Và một phút tự nghi ngờ của người thi sĩ giờ tôi thấy quý hơn tất cả những gì thời đại đã tuyển làm sự thật. Cho nên nhớ đến những phút tự nghi ngờ ấy, mỗi lần gặp những bài của Nguyên-Sa làm tôi muốn đốt cả thơ anh, tôi lại nghĩ rằng tất cả những người đã yêu anh xưa, như họ đã yêu thơ, có thể quên rất nhiều cho người bạn tài-hoa ấy. Quá tài-hoa. Nhưng tôi vẫn tin, một ngày kia, tôi còn thể lại nói rằng thế không có gì đáng tiếc.