According to Phan Khoi, nguoi ngu thi khong the yeu nuoc, vi su ngu dot va thien can, khong phan biet duoc loi ich chung va su ich ky hay tinh ac cua ban than, se lam hai dat nuoc va dan toc, nhu truong hop cua Dai than trieu Nguyen Ton That Thuyet va van de "pho Thanh chong Phap" trong buoi suy tan cua thoi quan chu VN.
Nghiên Cứu Lịch Sử
Các bài nghiên cứu, biên khảo và dịch thuật các chủ đề về lịch sử
Tại sao tôi mạt sát ông Tôn Thất Thuyết
This entry was posted on Tháng Ba 21, 2019, in Lịch sử Việt Nam and tagged Cần Vương, hàm nghi, nhà nguyễn, Phan khôi, pháp thuộc, tôn thất thuyết. Bookmark the permalink. 2 phản hồi
Phan Khôi
Người nào bảo tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết là mạt sát một nhà ái quốc, thế là người ấy đã nhận cho Tôn Thất Thuyết là nhà ái quốc. Nhưng tôi thì tôi không nhận như thế. Tôi không cho Tôn Thất Thuyết là nhà ái quốc. Vậy cái chỗ cốt yếu của việc chúng ta đương biện luận đây chỉ ở đó mà thôi.
Việc ngày 23 tháng năm, tôi đã nói rằng chỉ bởi một mình Tôn Thất Thuyết gây nên. Trong chữ “một mình Tôn Thất Thuyết” ấy hàm có cái nhân cách của con người ấy nữa. Cũng tiện cho tôi, hôm nay nhân có sự biện luận này mà tôi mới được nói rõ thêm hơn.
Tôi không có thể nói rằng việc thất thủ thành Gia Định là bởi một mình Nguyễn Tri Phương, tôi không có thể nói rằng việc thất thủ thành Hà Nội là bởi một mình Hoàng Diệu, nhưng việc thất thủ Kinh đô tôi lại nói được rằng bởi một mình Tôn Thất Thuyết; như thế, bạn đọc cũng nên nhìn cho tôi là có lý lắm rồi: chính bởi cái nhân cách của Tôn Thất Thuyết không bằng cái nhân cách của Hoàng Diệu và của Nguyễn Tri Phương làm cho tôi nói được như thế.
Nói rõ hơn nữa, tức là Tôn Thất Thuyết không phải là người ái quốc như hai ông kia. Thuyết không ái quốc mà lại “ái thân”, chỉ biết có một mình mình, nên tôi mới nói được rằng “một mình Tôn Thất Thuyết”.
Thuyết có ái quốc hay không, là do ở trong lòng ông ấy, tôi làm sao biết được? Vậy tôi phải căn cứ ở việc làm của ông ta mà đoán là ái quốc cùng chăng.
Giá như cái thân thế ông ấy chỉ thỏn lỏn có ngày 23 mà thôi, ông Thuyết chỉ làm một việc trong ngày ấy mà thôi, thì hoặc giả tôi còn nhắm mắt mà nhận ông ấy là ái quốc được. Nhưng cái lịch sử của ông còn dài, còn có trước và sau nữa, những việc ông làm trước và sau đó đều tỏ ra rằng ông chỉ vị một mình ông, cho nên cái việc ông làm ngày 23 ấy cũng chỉ vị một mình ông.
Như thế thì bao nhiêu quan lính dự vào cuộc tập công quân Pháp ngày 23 tháng năm đều như là bị hiếp mà phải theo cả; vai chủ động là ông Thuyết mà ông Thuyết lại cốt vì một mình ông, thì cả dân tộc Việt Nam có trách nhiệm gì vào ngày ấy đâu?
Tôn Thất Thuyết là người chỉ có cái oai danh hão. Mà sở dĩ lập được cái oai danh ấy lại chỉ tại ông hay giết người. Đánh giặc Bắc bao nhiêu năm, kể chiến công của ông còn thua các tướng, nhưng chỉ được cái đến đâu gà chó không yên đó mà làm cho người Bắc tới nay còn nhắc đến tên.
Đã có cái oai danh hão, lại thêm cái khiếu gàn, không chịu hòa Tây, làm cho đức Dực Tôn tưởng là người tin cậy được, lúc lâm băng, ngài phó cho cái trọng trách “bình Tây trấn Bắc, nhất dĩ ủy chi”, sự ngộ dụng ấy thật là đáng tiếc!
Sau khi Bắc Kỳ giảng hòa rồi, ông Thuyết về ở Thanh Hóa, cạo đầu đi tu. Năm Tự Đức 35, vua đòi về Huế, cho làm Thượng thơ bộ Binh. Ông liền mộ riêng hai đội binh “Phấn dõng” và “Phấn nghĩa”. Người ta nói rằng ông Thuyết có chí đánh Tây từ buổi ấy.
Đức Dực Tôn băng tháng sáu thì tháng bảy tàu chiến Pháp đến Thuận An. Bấy giờ ông Nguyễn Văn Tường chủ hòa nhưng ông Thuyết thì chủ chiến. Theo tôi, ông Thuyết chủ chiến cũng phải, nhưng đã chiến thì chiến cho đến nơi đi, thua thì chạy, thì chết đi.
Phải biết rằng cái chức Thượng thơ bộ Binh kiêm Điện tiền đại tướng quân là cầm cả binh quyền lúc bấy giờ, cái trách nhiệm chiến thắng hay chiến bại không còn đổ cho ai nữa. Mà thắng, đành là công của mình; bại cũng phải nhận tội của mình.
Nhưng sau khi hai viên đại tướng Lê Sĩ và Lâm Hoành cùng sứ thần Trần Thúc Nhẫn tử tiết tại cửa Thuận, bảy tám ngàn quân chết sạch hết, triều đình phải kéo cờ trắng xin hàng, bấy giờ ông Thượng thơ bộ Binh kiêm Điện tiền đại tướng quân Tôn Thất Thuyết làm gì? đi đâu?
Ông chẳng đi đâu hết! chẳng làm gì hết! Ông vẫn làm Điện tiền đại tướng quân! Ông vẫn làm Thượng thơ bộ Binh vậy! Nghĩa là ông không biết nhục, vẫn còn ăn lương vua, vẫn còn xưng quan lớn!
Bạn đọc nên biết cái sử liệu này nữa. Trước khi đánh ở cửa Thuận, ông Thuyết lấy cớ điều binh về hộ tang, tư vào Sơn phòng Quảng Nghĩa rút ra Kinh bốn ngàn lính. Bốn ngàn người ấy vừa đến, ông bắt kéo xuống cửa Thuận giữ hai cái đồn lớn Hòa Duân và Cáp Châu. Những lính này quen đường núi chứ không quen đường nước, bảo đánh sao được mà không chạy chết dồn đống với nhau? Trong khi ấy thì hai đội Phấn dõng và Phấn nghĩa vẫn gươm bén súng tường phòng vệ riêng một mình quan Điện tiền đại tướng quân, Thượng thơ bộ Binh, Tôn Thất Thuyết!
Cái sử liệu ấy chỉ cho chúng ta thấy ông Thuyết chẳng biết dụng binh lại còn lo giữ mình hơn giữ nước.
Mạt lắm, ông tướng bại tận rồi mà không dám thắt cổ, không dám uống thuốc độc, là cách tự tử hèn nhát của người An-nam; lại còn không dám từ chức, khư khư giữ lấy phú quý để hãnh diện với đám dân vong quốc!
Giá phải người Pháp đại xá cho ông đi thì ông cũng cứ vậy mà làm quan cho tới già tới chết. Hiểm thay vì cái khiếu gàn của ông không dung với người Pháp được thì họ phải căm ông. Ông biết thế nào mình cũng không thoát nên mới làm liều để tháo thân.
Vì đó mới có việc tập công ngày 23 tháng năm vậy. Và vì đó tôi mới nói ông Thuyết làm việc ấy chỉ vì một mình ông mà thôi vậy.
Nếu ông Tôn Thất Thuyết đánh Tây là để giữ giang sơn của tổ quốc, cùng không nữa cũng giữ danh dự cho dân tộc thì ông nên đánh nốt lúc Tây còn ở cửa Thuận kia. Sao để đến kéo cờ trắng lên, Tây vào chiếm Trấn Bình Đài rồi mới đánh? Vả để Tây đồn binh ở Mang Cá rồi, hơn hai trăm khẩu đại bác trên thành bị đóng nõ rồi mới đánh thì còn đánh cái mốc xì!
Việc làm như thế rõ là quá trẻ con chớ không những trẻ con! Mà sở dĩ ông Thuyết làm được cái việc trẻ con như thế là tại ông quá vì cái thân ông, ông không có lòng ái quốc.
Phải chi ông Thuyết khi bỏ thành chạy trốn rồi ở thủy chung với đức Hàm Nghi, có lo phục thù được càng hay, không cũng trước sau cho trọn tiết, thì tôi còn dung thứ cho mà chẳng nỡ nói nào! Cái này, ông Thuyết đểu quá! ông Thuyết hèn mạt quá!
Theo sự thế lúc bấy giờ, việc ở nhà một người cần vương, điều binh khiển tướng, trong thì bảo hộ đức Hàm Nghi, ngoài thì kháng cự với quân Pháp, là việc cần nhất cho ông Thuyết. Còn việc chạy qua nước khác, lạy lục mà cầu cứu, chỉ là việc nên phó cho một viên sứ thần bặt thiệp cũng đủ xong, đã là con người chủ trương đại cục, có ai lại cất thân ra mà đi việc ấy bao giờ? Vậy mà ông Thuyết đã từ chối việc trên, lãnh làm việc dưới, đủ biết ông chỉ vì cái thân ông, chỉ cầu đi đi cho khỏi chết.
Quả nhiên ông qua Tàu ông còn cầm đậu cái thân nhục nhã của ông đến vài ba mươi năm nữa mới chịu vùi giập ở Long Châu.
Thế mà cho là ái quốc thì khối người ái quốc. Tôi không muốn trong lịch sử Việt Nam có người ái quốc nào như ông Thuyết.
Trong đám dấn thân ra làm việc nước, hoặc cần vương ngày trước, hoặc cách mạng ngày nay, cũng có nhiều hạng người, người có thực tâm, người không có thực tâm, ta nên chọn người mà sùng bái, thì sự sùng bái của ta mới có giá trị. Tôi mạt sát Tôn Thất Thuyết cũng như tôi mạt sát mấy tay cách mạng giả dối cận thời…
Căn cứ ở câu ca dao truyền tụng hồi cuối trào Tự Đức: “Nước Nam có bốn anh hùng: Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu”.
Tôi cho câu ấy thật là đúng. Ông Thuyết chỉ vì ngu mới làm được những việc ông đã làm.
Tôi chưa hề nghe một người ngu mà biết ái quốc. Tôi mạt sát ông Thuyết chỉ là mạt sát một người ngu vậy.
(Tràng An, Huế, s. 46 (6 Aout 1935), tr. 1.)
No comments:
Post a Comment